ĐBQH NGHIÊM VŨ KHẢI CHO Ý KIẾN VÀO DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

22/07/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nghiêm Vũ Khải – Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng đã đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Đại biểu Nghiêm Vũ Khải cho ý kiến

Đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan hữu quan, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với khối lượng công việc rất lớn và phức tạp. Đại biểu nhất trí cao với hồ sơ của dự án luật gồm tờ trình, dự thảo luật và các tài liệu gửi kèm cũng như thống nhất cao với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Theo đại biểu, về cơ bản quá trình trình dự án luật, thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường đã tuân thủ các quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tại hội nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra sơ bộ và thẩm tra chính thức, một số đại biểu đã phát biểu ý kiến góp ý và đã được tiếp thu nghiêm túc, được trình bày trong dự thảo mới ngày 23/5/2020. Đại biểu hoan nghênh cách làm này.

Đi vào vấn đề cụ thể, đại biểu tập trung vào 2 nội dung:

Nội dung thứ nhất, Điều 156 về phát triển ngành công nghiệp môi trường. Điều này gồm 4 khoản, về cơ bản cũng giống như quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và năm 2014, đã 15 năm nhưng trên thực tế ngành công nghiệp môi trường vẫn chưa được hình thành. Qua giám sát nhiều năm ở các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu dân cư, làng nghề, v.v. Đại biểu nhận thấy đa số chất thải được xử lý theo phương thức rất cũ, tức là đốt và lấp là chính. Những gì chúng ta đang nói về nền kinh tế tuần hoàn, cơ chế phát triển xanh, tái tạo, tái chế, tái sử dụng chỉ là những khẩu hiệu hoặc những nguyện vọng chứ chưa thể trở thành hiện thực nếu không hình thành và phát triển được ngành công nghiệp môi trường. Ở Việt Nam có một số doanh nghiệp, trung tâm nghiên cứu, tổ chức, cá nhân đã rất nỗ lực sáng chế, chuyển giao công nghệ nhằm phát triển công nghệ chế tạo máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ xử lý chất thải, nước thải. Tuy nhiên, đó chỉ là những sáng kiến đơn lẻ, chưa được thử nghiệm, kiểm tra các thông số kỹ thuật nên thiết bị thường chóng hỏng, thiếu phụ tùng thay thế, tuổi thọ không dài, gây lãng phí. Nếu như đi mua thiết bị của nước ngoài thì đúng là tốt nhưng giá rất cao, hầu hết các cơ sở, các địa phương không đủ khả năng.

Tại Khoản 4 quy định trách nhiệm của Chính phủ hướng dẫn Điều 156, trong đó có các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương. Đại biểu cho rằng việc hướng dẫn và triển khai thực hiện điều này phải làm hết sức khẩn trương và kịp thời.

Tại Điều 159 về chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường. Điều này quy định về chi sự nghiệp trong môi trường gồm 14 nhiệm vụ, chi đầu tư phát triển gồm 5 nhiệm vụ, đại biểu cơ bản nhất trí. Chủ trương chi không dưới 1% ngân sách nhà nước hàng năm cho bảo vệ môi trường đã có từ năm 2004, thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo đại biểu, qua giám sát vẫn còn một số địa phương, ngành đã chi sai mục đích. Vấn đề ngân sách thấp, chi sai mục đích, đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho môi trường nước ta đã và đang đối mặt với những thách thức rất lớn. Đại biểu đề nghị ngoài chi 1% ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường, trong giai đoạn hiện nay cần tăng nguồn lực đầu tư công kết hợp với tăng đầu tư xã hội để tạo ra bước đột phá về hoạt động chi cho bảo vệ môi trường trong tình hình mới trước những thách thức phi truyền thống và truyền thống như đại dịch COVID-19 vừa qua. Ai cũng biết rằng chi cho môi trường là chi cho phát triển bền vững, bảo đảm 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường luôn hài hòa, tương tác với nhau theo xu thế tích cực. Ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân căn bản gây ốm đau, bệnh tật, làm giảm sức sản xuất, làm giảm chất lượng cuộc sống, làm giảm thu nhập thực tế của công dân và giảm GDP. Từ thực tế đó chúng ta cần phải quán triệt và cần phải tạo ra sự đột phá trong chi cho bảo vệ môi trường. Chi cho phát triển bền vững là một sự chi khôn ngoan. Vì vậy, việc bảo đảm nguồn tài chính, kể cả đầu tư công và đầu tư xã hội cho bảo vệ môi trường là vấn đề cốt lõi. Tóm lại, trong thời gian tới phải tập trung chi cho bảo vệ môi trường bằng các nguồn tài chính khác nhau.

Cuối cùng, theo đại biểu luật này có thể thông qua 3 kỳ họp vì nhiệm vụ đặt ra rất lớn, có tới 40 điều giao cho Chính phủ và các cơ quan hướng dẫn nên cần có thời gian để nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng./.

Hồ Hương