ĐBQH NGUYỄN THỊ QUYÊN THANH: BỘ GD&ĐT CẦN XÂY DỰNG VÀ TÍNH ĐẾN CƠ CHẾ VỀ GIÁ SÁCH GIÁO KHOA

21/08/2020

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long đã chia sẻ một số ý kiến liên quan đến sách giáo khoa và về phát triển du lịch nội địa theo chỉ đạo của Thủ tướng về phát triển mục tiêu kép.

Thảo luận tại hội trường về đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020 và thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, việc biên soạn sách giáo khoa là nội dung được cử tri và Quốc hội rất quan tâm, do vậy từ góc độ thực tiễn quản lý công tác của địa phương, đại biểu góp ý một số nội dung như sau:

Thứ nhất, đại biểu cho biết, hiện nay đã có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 các môn học và có 7 sách giáo khoa các môn tự chọn đã được phê duyệt theo quy định, quy trình, Thông tư của Bộ Giáo dục đào tạo và được Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục chủ động hơn trong việc lựa chọn sách giáo khoa để thực hiện cho năm học 2020-2021. "Đây cũng là một thành công bước đầu trong việc thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa", đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nhận định.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu trước Quốc hội.

Đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không sử dụng ngân sách nhà nước để biên soạn một bộ sách giáo khoa của riêng Bộ, để nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện khuyến khích các tổ chức, cá nhân có tâm huyết, có nhiều sáng kiến viết sách giáo khoa, góp phần hạn chế việc độc quyền cũng như tạo điều kiện nhiều hơn cho các cơ sở có nhiều danh mục để lựa chọn sách giáo khoa, tạo điều kiện cạnh tranh bình đẳng, khách quan trong việc biên soạn sách giáo khoa. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo trong thời gian tới cần phải tăng cường các biện pháp đảm bảo chất lượng, thông qua Hội đồng thẩm định về nguồn lực, về nhân lực để thẩm định sách giáo khoa có chất lượng một cách công khai, minh bạch và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xây dựng và tính đến cơ chế về giá, vì hiện nay theo chương trình sách giáo khoa mới thì giá sách giáo khoa sẽ do nhà xuất bản định giá và báo cáo về Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng đề nghị Bộ Giáo dục cũng như Chính phủ cần có biện pháp quản lý tốt hơn, làm sao cho tất cả học sinh đều có thể có cơ hội được tiếp cận với bộ sách giáo khoa tốt nhất. Đồng thời, cũng chỉ đạo việc cung cấp, hỗ trợ sách giáo khoa cho các trường học, thư viện vùng khó khăn, cũng như hỗ trợ sách giáo khoa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Song song đó, đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước của mình trong việc hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở, lựa chọn sách giáo khoa cho phù hợp, đảm bảo đúng quy định, tránh các hiện tượng tiêu cực và những ý kiến không hay đối với việc lựa chọn sách giáo khoa, tạo được niềm tin trong xã hội trước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1 năm học 2020-2021.

Đại biểu cũng đồng tình cao với việc phát triển du lịch sau dịch COVID. Theo đại biểu, có thể nhận thấy Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan nổi tiếng, có truyền thống văn hóa lâu đời và giàu bản sắc văn hóa, nguồn lao động dồi dào. Việt Nam càng nổi bật hơn trong cuộc chiến chống CORONA. “Một Việt Nam đang thay đổi từng ngày, vươn lên mạnh mẽ và đang tỏa sáng, hy vọng rằng du lịch của Việt Nam trong thời gian tới sẽ đến với bạn bè thế giới để nâng cao hơn nữa tầm vóc và du lịch Việt Nam trên trường quốc tế”, đại biểu nói.

Hồ Hương