ĐBQH HOÀNG QUANG HÀM: KHÔNG ĐỂ NGƯỜI DÂN CHỈ ĐƯỢC ĂN THỊT LỢN GIÁ RẺ TRÊN TIVI

21/08/2020

Thảo luận tại hội trường Diên Hồng sáng 13/6 về Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, đại biểu Hoàng Quang Hàm - đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho rằng: Điều tiết giá cả không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà phải bằng quản lý, điều tiết bằng “bàn tay vô hình” của nhà nước.

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, kết quả đạt được trong năm 2019 với kỳ tích về chống dịch Covid-19 và ngăn chặn suy giảm kinh tế, một lần nữa khẳng định sức mạnh đoàn kết của dân tộc và sự ưu việt của chế độ mà Đảng đang kiên định lãnh đạo toàn dân đi theo. Để khắc phục khó khăn, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để khôi phục kinh tế.

Đại biểu cho rằng, khi kinh tế suy giảm, nguyên lý cơ bản là nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, tăng chi tiêu công và tăng cung ứng vốn để kích thích nền kinh tế tăng cung. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 làm cả cung và cầu đều suy giảm nên việc nới lỏng mỗi chính sách cần phải có liều lượng phù hợp. Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, cần phải đặt ra ngưỡng trần không được vượt qua, lường trước các rủi ro để điều hành và đặc biệt để thúc đẩy sản xuất lại phải quay về các câu hỏi kinh điển là sản xuất gì, sản xuất như thế nào, bán cho ai để cơ cấu lại nền kinh tế và phải đặt trong bối cảnh hội nhập sâu, độ mở của nền kinh tế lớn.

Mặt khác, các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, thu ngân sách chỉ phù hợp cho các doanh nghiệp còn hoạt động, có doanh thu, có lãi, không bao quát hết các doanh nghiệp khó khăn, cần có thêm chính sách đối với các doanh nghiệp ngừng hoạt động do thiếu vốn, do đứt đoạn nguồn cung đầu vào hoặc thị trường đầu ra. Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, để đảm bảo dòng tiền cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, dự báo còn kéo dài, ngoài chính sách tiền tệ cần tiếp tục giãn thời gian nộp thuế, kể cả năm 2021. Giãn thuế thường có hiệu quả tức thời và để khắc phục khó khăn tạm thời thường hiệu quả hơn, miễn thuế và không làm giảm thu ngân sách. “Cũng cần lưu ý nới lỏng chính sách tiền tệ, phải kiểm soát được các chỉ số an toàn nợ của ngân hàng, không để phát sinh nợ xấu quá mức và phải kiểm soát được lạm phát”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nói.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm - đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu trước Quốc hội.

Bên cạnh đó, một vấn đề lớn hiện nay là dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi sản xuất, có thể kéo dài nhiều năm. Để lấp đầy lỗ hổng của chuỗi sản xuất, theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, ngoài việc thu hút, chọn lọc FDI, phát triển kinh tế tư nhân thì cần tính đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước theo quy định của Hiến pháp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước theo đúng phương châm là đầu tư vào lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không làm, do không mang lại hiệu quả hoặc do không đáp ứng được đòi hỏi phải có số vốn đầu tư lớn.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng để thực hiện được cần nhìn nhận lại doanh nghiệp nhà nước, bộ phận chủ yếu của kinh tế nhà nước ở hai khía cạnh:

Thứ nhất, do phải đầu tư vào các lĩnh vực, các thành phần kinh tế khác không làm, nên trong các trường hợp này phải nhìn nhận khách quan, hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, không thể đòi hỏi lợi nhuận, hệ số sử dụng vốn như trong các điều kiện bình thường khác. Có như vậy, doanh nghiệp trong nước mới dám đầu tư.

Thứ hai, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước phải coi là cơ cấu lại danh mục nhà nước đầu tư nên tiền thu được ngoài việc nộp ngân sách để chi đầu tư, cần phải dành nguồn cho đầu tư mở rộng doanh nghiệp nhà nước, kể cả thành lập mới để hoạt động trong các lĩnh vực các thành phần khác không làm. “Đây là vấn đề cần giải quyết để cơ cấu lại nền kinh tế, khắc phục sự đứt gãy của chuỗi sản xuất và phát triển bền vững lâu dài”, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề xuất.

Cũng theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, thu ngân sách giảm mạnh, trong khi phải tăng chi để chống dịch, khôi phục kinh tế nên cần sắp xếp lại chi và nới trần bội chi. Chính phủ đã có nhiều tờ trình về chính sách tài khóa.

Bày tỏ thống nhất với các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách để đồng hành cùng Chính phủ khắc phục khó khăn, tuy nhiên theo đại biểu, hiện nay Chính phủ chưa trình phương án cụ thể để điều chỉnh các chỉ tiêu ngân sách làm căn cứ cho Quốc hội xem xét quyết định. Chính phủ chỉ nêu hai kịch bản ngân sách tương ứng hai dự báo về tăng trưởng nên cần đánh giá cụ thể, sớm trình Quốc hội điều chỉnh dự toán thu, chi, bội chi ngân sách, đồng thời thu giảm sâu không thể chi theo dự toán cũ. Đại biểu cho rằng khi chưa trình được Quốc hội điều chỉnh dự toán, Chính phủ cần thường xuyên đánh giá tình hình để điều hành phù hợp, không thể chi như cũ khi thu đang bị ảnh hưởng lớn như hiện nay. “Cần cập nhật kịp thời nguồn thu, khả năng vay để sắp xếp lại các nhiệm vụ chi, ưu tiên cho các nhiệm vụ cấp bách. Đặc biệt, các địa phương mức bội chi thấp thu giảm, nếu chậm trễ sắp xếp lại chi thì hệ quả sẽ rất lớn”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nói.

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, với tình hình hiện nay, việc kiểm soát giá cả là cấp bách để đảm bảo ổn định đời sống của nhân dân, hiến định nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, điều tiết giá cả không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà phải bằng quản lý, điều tiết bằng “bàn tay vô hình” của nhà nước. “Những mặt hàng thị trường quyết định giá phải nghiên cứu xem tăng giá do sản xuất hay lưu thông để tuyên truyền, định hướng, có biện pháp hỗ trợ, cần thiết thì kinh tế nhà nước phải đảm trách, không nên để suốt thời gian qua dư luận cho rằng người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi”, đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu ý kiến. “Nếu do khâu sản xuất thì phải kích thích tăng đàn, tăng nhập khẩu. Nếu cần thiết, kinh tế nhà nước phải tham gia. Nếu do khâu lưu thông thì có biện pháp hợp lý, hợp pháp, cần thiết thì cân nhắc cả đến việc nhà nước thu mua trực tiếp, cung ứng trực tiếp cho thị trường”, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị.

Bên cạnh đó, cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin để công khai giá nhập khẩu vật tư, thiết bị, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, có thể làm được qua tờ khai hải quan để có giá tham khảo, kiểm soát khi mua sắm bằng kinh phí ngân sách nhà nước, không để xảy ra các vụ việc như mua máy xét nghiệm chống dịch Covid thời gian qua và cũng để kiểm tra, giám sát các mặt hàng do nhà nước bình ổn giá hoặc định giá để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Công khai, minh bạch thông tin là cách để kiểm soát giá tốt nhất nên cần ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện.

Vấn đề cuối cùng mà đại biểu Hoàng Quang Hàm đề cập, đó là đại dịch Covid là thảm họa toàn cầu, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, chưa có dấu hiệu dừng lại. Để đối phó cần có biện pháp nhanh, mạnh, dứt khoát. Có chuyên gia cho rằng phải có cả các biện pháp không tưởng. Tuy nhiên, đó là giải pháp không bao giờ nghĩ đến, tưởng là sẽ không được áp dụng chứ không phải là những giải pháp không tính đến rủi ro, không lường hết hậu quả. “Trong điều kiện gấp gáp hiện nay vẫn cần phải có khoảng lặng để đánh giá và hạn chế tác động tiêu cực của các chính sách”, đại biểu nhận định. “Khoảng lặng đó để xem chính sách có đặt mục tiêu không. Kết quả mang lại có vượt trội so với hậu quả tiêu cực của chính sách không. Không phải thời điểm thích hợp để do dự”. Đại biểu đồng ý với việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng vẫn còn đó nỗi băn khoăn bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp sẽ có lãi để hưởng chính sách này. Các doanh nghiệp lỗ hoặc dừng hoạt động không được hưởng chính sách này chiếm bao nhiêu phần trăm, đã đủ chính sách khác để khôi phục hoạt động chưa? Có công bằng không khi một doanh nghiệp thừa tiêu chí lao động chẳng hạn sử dụng 150 lao động nhưng doanh thu vượt ngưỡng một chút, ví dụ là 55 tỷ không được hưởng chính sách, trong khi doanh nghiệp sử dụng ít lao động hơn nhiều, có doanh thu ít hơn một chút lại được hưởng chính sách. Việc không phân biệt doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp dịch vụ, thương mại, không phân biệt có bị giảm lãi hay không, liệu có công bằng không?

Cuối cùng đại biểu Hoàng Quang Hàm cũng thống  nhất với việc dừng tăng lương, tuy nhiên cũng bày tỏ mối băn khoăn liệu có còn thực hiện được chính sách tiền lương mới theo lộ trình Nghị quyết 27 của trung ương không? Bao giờ thực hiện được? Mỗi chính sách tài khóa thông qua là giảm thu hàng chục ngàn tỷ đồng hoặc chi thêm hàng chục ngàn tỷ đồng đã đến ngưỡng giới hạn nguồn lực chưa? Sẽ phải nới bội chi bao nhiêu khi thu giảm sâu như hiện nay? Thị trường trái phiếu có hấp thụ được không? Lãi phải trả như thế nào khi vay thêm, trong khi 2020-2021 nhiều khoản nợ đến hạn, phải vay mới để trả nợ cũ. Đáo hạn, cơ cấu lại nợ vẫn phải thực hiện là sức ép rất lớn đến thị trường trái phiếu còn khiêm tốn, dư địa nguồn lực hạn hẹp.

Hồ Hương