ĐBQH MA THỊ THÚY: CẦN ĐẨY NHANH GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG VÀ HỖ TRỢ NGƯỜI DÂN SAU THIÊN TAI, DỊCH BỆNH

21/08/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, trong phiên thảo luận của Quốc hội về Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, đại biểu Ma Thị Thúy - đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị Chính phủ đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và hỗ trợ người dân sau thiên tai, dịch bệnh.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy bày tỏ sự đồng tình với 9 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đưa ra thực hiện trong những tháng cuối năm 2020. Qua nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ và các bộ, ngành; các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội trình tại kỳ họp này, đại biểu phát biểu 2 vấn đề sau đây:

Vấn đề thứ nhất, về đầu tư công. Theo đánh giá của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, với tiến độ giải ngân hiện nay, để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức rất lớn, mới chỉ giải ngân đạt 89.300 tỷ đồng, bằng 18,98% kế hoạch năm. Kế hoạch giải ngân năm 2020 là 700.000 tỷ đồng. Theo đại biểu Ma Thị Thúy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, một trong số đó là do một số vướng mắc về thể chế pháp luật, đầu tư công. Với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư công, Luật Đầu tư công quy định nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tránh dàn trải, lãng phí. Tuy nhiên, với việc quy định các quy trình, thủ tục liên quan nhiều cơ quan, đơn vị trong các quy trình, thủ tục đó dẫn tới thời gian hoàn thiện các thủ tục theo quy định cũng như hoàn thiện phương án phân bổ bố trí vốn cho từng dự án thường phải kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư. Do vậy, các bộ, ngành, địa phương không chủ động được trong điều hành kế hoạch vốn được giao, làm giảm tiến độ giải ngân, chậm tiến độ và hiệu quả thực hiện các dự án. Việc giao vốn đầu tư trong các năm còn chia làm nhiều đợt, thường được bổ sung vào cuối năm nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư thực hiện dự án của các địa phương.

Đại biểu Ma Thị Thúy - đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu trước Quốc hội.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư của năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu của Quốc hội đề ra, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, trung ương quan tâm, sớm ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện, như xem xét nâng tỷ lệ phân chia cơ cấu phân bổ vốn ngân sách trung ương phần trong nước cho địa phương từ 30% lên 40% để chủ động tập trung ưu tiên phân bổ vốn. Thực hiện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và bảo đảm chương trình, dự án đúng quy định của pháp luật thuộc các ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên và phù hợp với định hướng phát triển của mỗi địa phương.

Ngoài tiêu chí diện tích đất tự nhiên và tỷ lệ diện tích đất trồng lúa trên tổng diện tích đất tự nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét có tính thêm điểm đối với địa phương có tỷ lệ diện tích đất rừng tự nhiên chiếm tỷ trọng cao trên tổng diện tích đất tự nhiên, nhất là diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng làm cơ sở để phân bổ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương. Đại biểu cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm, kiểm tra, rà soát và giao hết số vốn đầu tư còn lại của năm 2020 cho các tỉnh để kịp thời triển khai các dự án, góp phần phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vấn đề thứ hai mà đại biểu Ma Thị Thúy chỉ ra, đó là về công tác phòng, chống thiên tai, hỗ trợ khắc phục thiệt hại sau thiên tai cho nhân dân. Tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và có thể xảy ra trên khắp các vùng miền. Từ đầu năm 2020 đến nay, do thiên tai diễn ra cực đoan, bất thường, gây thiệt hại lớn tại nhiều khu vực trong cả nước, điển hình là hạn hán xảy ra ở cả 3 miền, xâm nhập mặn vượt mức lịch sử tại đồng bằng sông Cửu Long, mưa lớn kèm theo dông, lốc, sét; mưa đá xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân ở các địa phương. Theo thống kê, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy, về tài sản ước tính là 2,5 nghìn tỷ đồng, con số này gấp 13 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ để khắc phục hậu quả ngay sau khi thiên tai xảy ra để ổn định đời sống của nhân dân, khôi phục sản xuất. Đại biểu Ma Thị Thúy phản ánh, qua tiếp xúc cử tri cho thấy, trong quá trình thực hiện còn có những vướng mắc, như mức hỗ trợ theo Nghị định số 02 năm 2017 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung, tăng mức hỗ trợ đối với sản xuất lâm nghiệp, thủy sản, gia súc, gia cầm. “Tuy nhiên, mức hỗ trợ đối với cây trồng chưa được tăng, còn quá thấp so với giá trị thực tế”, đại biểu nhận định. Chẳng hạn, 1 hecta cây cam bị thiệt hại trên 70%, được hỗ trợ tối đa là 4 triệu đồng, trong khi 1 hecta cam đang có quả thì có giá trị vài trăm triệu đồng và cũng có nhiều các cây trồng khác. Đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng với mức hỗ trợ theo Nghị định này là quá thấp. Hỗ trợ đối với cây lâm nghiệp thì chưa rõ quy định cây bao nhiêu tuổi thì được hỗ trợ. “Về quy trình hỗ trợ thiệt hại còn quá nặng nề về giấy tờ, nhiều thủ tục rườm rà gây phiền hà cho nhân dân, dẫn đến thời gian thực hiện hỗ trợ chưa kịp thời”, đại biểu Ma Thị Thúy nói.

Để giúp nhân dân khắc phục sản xuất và ổn định đời sống ở các vùng bị ảnh hưởng do thiên tai một cách hiệu quả, kịp thời, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét điều chỉnh tăng mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai đối với cây trồng, vật nuôi. Quy định hỗ trợ cây lâm nghiệp dưới 36 tháng tuổi và tăng mức hỗ trợ, xem xét đơn giản trình tự, thủ tục để người dân nhanh chóng, kịp thời nhận được hỗ trợ, giảm bớt khó khăn do thiên tai gây ra. Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ người dân bị mất đất sản xuất do thiên tai gây ra như là sạt lở, bồi lấp, không có khả năng phục hồi. Cùng với đó, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí cho các tỉnh, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc để sửa chữa các tuyến đê, kè, công trình thủy lợi xung yếu có nguy cơ sạt lở do ảnh hưởng của thiên tai gây ra, đồng thời sớm bố trí nguồn vốn đầu tư cho các dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn mùa mưa lũ, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do thiên tai gây ra cho người dân.

Hồ Hương