ĐBQH PHAN THÁI BÌNH: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG CÁC ĐIỀU KIỆN LÀ CÁ NHÂN THUỘC DIỆN HỘ NGHÈO VÀO DIỆN ĐƯỢC HOÃN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH PHẠT TIỀN

01/02/2021

Góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị bổ sung các điều kiện là cà nhân thuộc diện hộ nghèo vào diện được hoàn thi hành quyết định phạt tiền.

Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị sửa đổi nâng mức phạt tiền tối đa tới 200 triệu đồng lên 300 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả.

Về sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 24, tức là điểm a khoản 11 của Dự thảo Luật, đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị sửa đổi nâng mức phạt tiền tối đa tới 200 triệu đồng lên 300 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả nhằm tăng tính răn đe và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đại biểu cho biết, qua tiếp xúc cử tri thì đây là lĩnh vực mà cử tri có ý kiến rất nhiều. Bởi việc xử phạt trong thời gian vừa qua chưa đảm bảo tính răn đe và hiện nay chúng ta đã nâng lên rồi nhưng vẫn còn thấp, đề nghị nâng từ 200 triệu lên 300 triệu.

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 76, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị bổ sung các điều kiện là cá nhân thuộc diện hộ nghèo vào diện được hoãn thi hành quyết định phạt tiền.

Tại điểm b khoản 3 Điều 77 của Dự thảo Luật, đại biểu đề nghị dùng cụm từ "khó khăn về kinh tế" thay cho cụm từ "gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế"; đồng thời như đề nghị bổ sung cá nhân thuộc diện hộ nghèo vào điểm này và viết lại như sau: "Cá nhân bị phạt tiền từ 2 triệu đồng trở lên đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn, gia đình thuộc diện hộ nghèo và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc. Trường hợp khó khăn về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn phải có thêm xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện trở lên".

Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 106, tức là điểm b khoản 64 Điều 1 Dự thảo Luật, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị xem xét quy định rút ngắn thời hạn từ 1 năm xuống còn 6 tháng kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp tài sản không đến nhận thì trong 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Việc quy định 1 năm như trong dự thảo hiện nay là quá dài, bởi vì trong thực tế thông báo đến 2 lần tạm giữ tang vật, phương tiện 1 năm rất khó khăn. Trong thực tế nhiều nơi không có kho bãi để tạm giữ, không có nhà để tạm giữ, đồng thời rất nhiều loại phương tiện quá để thời hạn quá lâu là xuống cấp, không còn giá trị sử dụng, ảnh hưởng đến tài sản. Nếu chúng ta trao trả lại cho chủ sở hữu thì không còn giá trị sử dụng nữa; đề nghị thời hạn này giảm từ 1 năm xuống 6 tháng.

Bên cạnh đó, đại biểu Phan Thái Bình cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung thêm một số vấn đề trong dự án luật này. Đại biểu nêu ví dụ, cần phải bổ sung quy định là cho tiêu hủy đối với trường hợp tang vật ở nơi không thể thu gom, vận chuyển về nơi bảo quản hoặc chi phí thu gom, vận chuyển đưa về nơi bảo quản quá lớn. Trong thực tiễn, qua quá trình công tác ở cơ sở, chúng tôi thấy có nhiều vụ, đặc biệt những vụ tang vật là gỗ trong rừng sâu, nhiều loại tang vật, phương tiện không có đường để vận chuyển về, thậm chí tìm mọi biện pháp để vận chuyển về thì chi phí cho vận chuyển về cao hơn rất nhiều chi phí sau này chúng ta có thể bán và thanh lý. Như vậy, có thể nhà nước phải bỏ thêm tiền vào, vừa xử lý khó khăn lại phải bỏ thêm tiền vào để chi phí vận chuyển về. Do vậy, trong luật lần này tôi đề nghị phải bổ sung vào trường hợp nếu không thể vận chuyển được, không có điều kiện vận chuyển hoặc nếu vận chuyển về mà chi phí vận chuyển về để bảo quản quá lớn, không đủ để chi phí khi thanh lý để trả công, chúng ta thực hiện các việc đó thì có thể cho tiêu hủy ngay sau khi xác định và lập các loại biên bản, đầy đủ chứng cứ để xử lý vụ việc thì nên tiêu hủy ngay, kể cả trong lĩnh vực hình sự cũng vậy.

Cho ý kiến về việc có bổ sung biện pháp cắt điện, cắt nước trong Dự thảo Luật hay không, đại biểu Phan Thái Bình cho biết, ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước này là một biện pháp trong xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế vi phạm hành chính. Theo quan điểm của đại biểu không đồng tình với việc bổ sung này. Nếu đưa vấn đề này vào, khẳng định không ảnh hưởng đến quyền lợi người thứ ba thì điều này không thể khả thi trên thực tế. Bởi riêng hợp đồng điện và hợp đồng nước, tức là đã ký kết giữa người tiêu dùng và công ty điện, công ty cấp nước. Như vậy, nếu yêu cầu dừng thì đương nhiên ảnh hưởng ngay đến hợp đồng đó, mà đây là hợp đồng dân sự. Như vậy rõ ràng ngay khi chúng ta đưa vào đã thấy ảnh hưởng đến người thứ ba, chưa nói là những người cùng sử dụng điện nước. Như vây, những chi phí sau khi đóng điện, nước lại thì ai phải chịu chi phí này? Dự thảo Luật trình theo hướng là biện pháp cuối cùng trong xử lý vi phạm hành chính, nhưng theo đại biểu Phan Thái Bình đây sẽ là biện pháp được áp dụng đầu tiên. Bởi vì rất dễ áp dụng trong thực tế vì sẽ chuyển cái khó cho người người dân, đồng thời tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước. Đại biểu đề nghị đưa ra Quốc hội xin biểu quyết bằng phiếu, để xác định chọn phương án nào cho hợp lý, mà được sự đồng thuận theo đa số./.

Lan Hương

Các bài viết khác