ĐBQH THẠCH PHƯỚC BÌNH: CẦN QUY ĐỊNH VỀ CÁC TRƯỜNG HỢP CÓ NHIỀU TÌNH TIẾT PHỨC TẠP, LÀM CĂN CỨ TẠM GIỮ TANG VẬT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

29/01/2021

Góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng cần có quy định hướng dẫn cụ thể về các trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, cần xác minh để làm căn cứ tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cho ý kiến về thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho biết: Khoản 3 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Chương II của luật này có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Quy định trên về thẩm quyền tạm giữ tang vật hiện có 2 cách hiểu khác nhau. Thứ nhất, thẩm quyền tạm giữ tang vật bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền. Thứ hai, thẩm quyền tạm giữ không bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền. Điều này có nghĩa là cứ người nào có thẩm quyền tịch thu tang vật thì người đó có thẩm quyền tạm giữ tang vật, không bị giới hạn bởi thẩm quyền phạt tiền và giá trị tang vật bị giam giữ.

Về tạm giữ tang vật, khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp cần tiến hành xác minh, nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, theo đại biểu Thạch Phước Bình, hiện chưa có quy định cụ thể như thế nào là vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần xác minh để gia hạn thời hạn tạm giữ. Điều này dẫn đến tùy tiện trong việc áp dụng, một số cơ quan có thẩm quyền có thể gia hạn thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính lên đến 60 ngày. Thời gian tạm giữ lâu, gây khó khăn cho công tác bảo quản, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị hư hỏng mục nát, gây thiệt hại về tài sản cho Nhà nước và xã hội.

Mặt khác, quy định về thời gian tạm giữ để xác định giá trị tài sản chưa hợp lý, khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính và thời hạn tạm giữ tối đa không quá 24 giờ, kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ. Trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn không quá 24 giờ, hiện cũng chưa có quy định về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, quá thời hạn tạm giữ dẫn đến số lượng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, lưu kho quá tải, thậm chí gây mục nát, hư hỏng, lãng phí tài sản xã hội mà chưa được xử lý. Từ phân tích trên, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét 03 nội dung:

Thứ nhất, sửa đổi quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo hướng các chức danh có thẩm quyền xử phạt được thực hiện. Việc tịch thu không phụ thuộc vào giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu. Bởi thẩm quyền áp dụng hình thức phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện, hành vi vi phạm hành chính thấp hay cao phụ thuộc vào danh phận của các chức danh có thẩm quyền.

Thứ hai, bổ sung quy định cụ thể để xác định rõ việc cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc thực hiện hình thức xử phạt, tịch thu phương tiện vi phạm hành chính.

Thứ ba, cần có quy định hướng dẫn cụ thể về các trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, cần xác minh để làm căn cứ tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Theo cách hiểu vụ việc có tình tiết phức tạp là vụ việc có tình tiết, cần có thêm thời gian xác minh và vụ việc đó chưa đủ căn cứ để ra quyết định xử phạt hành chính. Đồng thời, bổ sung thời hạn gia hạn tạm giữ đối với trường hợp cần gia hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xác định giá trị tài sản, tang vật, phương tiện, rút ngắn thủ tục định giá tài sản, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Thứ tư, bổ sung hướng dẫn xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ. Trong quy định cần nêu rõ khoảng thời gian phù hợp để cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng số tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ, tránh trường hợp tồn đọng quá nhiều tang vật, phương tiện vi phạm hành chính lưu kho, đặc biệt là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là phương tiện giao thông vận tải./.

 

Lan Hương

Các bài viết khác