ĐBQH PHẠM HỒNG PHONG: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

29/01/2021

Thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Phạm Hồng Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị bổ sung vào Điều 12 nội dung cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Đại biểu Phạm Hồng Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang.

Góp ý vào khoản 5 Điều 2, đại biểu Phạm Hồng Phong, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị thay đổi thuật ngữ "tái phạm" thành thuật ngữ "tái vi phạm" là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quyết định trong Bộ luật Hình sự. Do vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính sử dụng thuật ngữ này dễ dàng dẫn đến nhầm lẫn và không đúng với bản chất của khái niệm. Nên thuật ngữ tái vi phạm vừa khắc phục được nhầm lẫn trong việc áp dụng pháp luật. Nhưng cũng vừa thể hiện đúng bản chất của khái niệm tái vi phạm là tiếp tục có hành vi vi phạm hành chính đã được thực hiện trước đó.

Tại khoản 8a Điều 12, đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 8a Điều 12 nội dung cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì thực tế trong thời gian qua, rất ít trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nên còn tình trạng phạt cho tồn tại. Đại biểu đề nghị bổ sung nội dung này như sau: "không áp dụng biện pháp cưỡng chế xử phạt vi phạm hành chính, không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt thi hành biện pháp khắc phục hậu quả".

Cho ý kiến vào khoản 3 Điều 54 Dự thảo Luật, đại biểu Phạm Hồng Phong đề nghị bổ sung vào khoản 3a Điều 54, tiếp theo sau khoản 3 như sau: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong quy định tại khoản 1 điều này vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi nội dung thời hạn giao quyền cho cấp phó thực hiện. Bổ sung quy định này thể hiện rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền trong việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát cấp phó trong việc thực hiện thẩm quyền được giao.

Đối với quy định tại Điều 58, đại biểu Phạm Hồng Phong nhấn mạnh, trong xử phạt vi phạm hành chính, biên bản vi phạm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu lập biên bản sai thì quyết định xử phạt vi phạm hành chính chắc chắn là sai. Thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính trong thời gian qua cho thấy phần lớn các tranh chấp tại Tòa án hủy các quyết định xử phạt vi phạm chính có liên quan đến biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi này, lại bỏ qua thẩm quyền của người lập biên bản. Để khắc phục những hạn chế, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về chủ thể có thẩm quyền lập biên bản xử lý vi phạm hành chính theo 2 hướng. Một là người đang thi hành công vụ mà lập biên bản vi phạm hành chính đúng với nhiệm vụ công vụ được giao, được xem là biên bản hợp pháp. Hai là người đang thi hành công vụ mà phát hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc nhiệm vụ công vụ của mình thì chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt lập biên bản vi phạm hành chính.

Đóng góp vào Điều 64, đại biểu Phạm Hồng Phong cho rằng xử lý vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là cần thiết, bảo đảm phù hợp xu thế phát triển của khoa học, công nghệ, ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác xử phạt vi phạm chính. Dự thảo lần này bổ sung thêm nhiều lĩnh vực mới như phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia, các lĩnh vực này chưa có báo cáo đánh giá tác động về tính khả thi trong việc áp dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy. Do vậy, đề nghị giữ nguyên như quy định của Điều 64 hiện tại gồm 2 lĩnh vực là trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, bổ sung thêm “và lĩnh vực khác do Chính phủ quy định sau khi được sự thống nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Như vậy, trong tương lai, nếu Chính phủ muốn bổ sung thêm một lĩnh vực mới thì sẽ báo cáo về tính khả thi của lĩnh vực áp dụng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Quy định như vậy đảm bảo tính dự báo cho tương lai, tránh sự vội vàng, thiếu tính khả thi khi áp dụng pháp luật vào thực tiễn.

Về quy định tại điểm c khoản 2 và điểm b khoản 3 giới hạn kết quả thu thập hành vi vi phạm từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật chỉ được sử dụng xử lý vi phạm hành chính, đại biểu cho rằng, quy định như vậy chắc chắn sẽ gặp vướng mắc trong thực tiễn, bởi lẽ như chúng ta đã biết, thông qua công tác quản lý hành chính, chúng ta đang phát hiện ra nhiều hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xem xét trách nhiệm hình sự. Nếu chúng ta quy định kết quả thu thập để xử lý vi phạm hành chính, nhưng khi kiểm tra vi phạm lại phát hiện có dấu hiệu hình sự thì có dùng làm chứng cứ để xem xét trách nhiệm hình sự được hay không. Rõ ràng nếu chỉ quy định sử dụng trong việc xử lý vi phạm hành chính thì quy định này triệt tiêu chứng cứ dùng để xem xét trách nhiệm hình sự đối với chủ thể có hành vi vi phạm. Do đó, để đảm bảo có tính tương tác với các quy định thì sửa quy định “dùng để xử phạt vi phạm hành chính” thành “chỉ được sử dụng để xử lý hành vi vi phạm pháp luật”./.

Lan Hương

Các bài viết khác