ĐBQH TÔ ÁI VANG: KIẾN NGHỊ BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ CHỦ THỂ PHÁT HIỆN HÀNH VI VI PHẠM PHẠM HÀNH CHÍNH

29/01/2021

Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Tô Ái Vang đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên đề nghị bổ sung quy định về chủ thể phát hiện hành vi vi phạm hành chính.

Đại biểu Tô Ái Vang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đề nghị bổ sung quy định về chủ thể phát hiện hành vi vi phạm hành chính.

Đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Tô Ái Vang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng, về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, tại Điều 6 cần bổ sung quy định: "Chủ thể phát hiện hành vi vi phạm phạm hành chính". Theo quan điểm của đại biểu, trên thực tế có trường hợp khi cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát phát hiện hành vi vi phạm hành chính đã thông báo cho đối tượng vi phạm khắc phục. Tuy nhiên, sau 2 năm, khi cơ quan có thẩm quyền khác thực hiện, Thanh tra lại phát hiện hành vi phạm trên chưa được khắc phục, đề nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lại gặp khó khăn, vì cho rằng đã hết thời hiệu xử phạt quá 2 năm vi phạm hành chính.

Đại biểu cũng kiến nghị bổ sung một điểm vào khoản 2 Điều 6 quy định thời hiệu xử lý vi phạm hành chính có liên quan đến hình sự. Nếu hành vi vi phạm hành chính không đủ yếu tố cấu thành tội phạm để khởi tố vụ án hình sự thì chuyển trả hồ sơ cho cơ quan thanh tra, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính từ thời gian chuyển trả hồ sơ. Đại biểu nêu thực tế, có trường hợp cơ quan thanh tra phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, tuy nhiên sau khi xem xét cơ quan điều tra kết luận không đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ sang cơ quan thanh tra thì đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Điều này đã gây khó khăn trong áp dụng pháp luật vào thực tiễn.

Vấn đề thứ hai, về buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật tại Điều 37. Đại biểu Tô Ái Vang cho biết, ti quy định này cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp lại số lợi bất hợp pháp là tiền, tài sản, giấy tờ và vật có giá trị có được từ vi phạm hành chính. Tuy nhiên, theo Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quy định: tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá trị và quyền tài sản. Như vậy quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, kiến nghị dẫn chiếu Điều 105 của Bộ luật Dân sự hoặc trích dẫn chính xác quy định về tài sản trong Điều 105, có như vậy thì quy định của pháp luật mới mang tính thống nhất.

Về thẩm quyền của Tòa án nhân dân tại Điều 48, đại biểu kiến nghị xem xét sửa đổi khoản 4 điều này quy định về thẩm quyền của Chánh Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Chánh Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao. Vì theo quy định tại Điều 21 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì không có chức danh này.

Cho ý kiến về quy định chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm để xử phạt hành chính, Điều 63, đại biểu đề nghị thay thế cụm từ “ban hành kết luận thanh tra” bằng cụm từ “công bố kết luận thanh tra” tại khoản 1 điều này, nhằm bảo đảm phù hợp với Luật Thanh tra năm 2010.

Đối với quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 86, đại biểu đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu là không bổ sung biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước. Vì điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, trong đó có người già, phụ nữ và trẻ em là những đối tượng cần được quan tâm, cần được bảo vệ và họ trực tiếp thụ hưởng và cũng là đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của luật. Đây là yếu tố rất nhạy cảm, dễ dẫn đến bức xúc trong dư luận, dễ bị tác động bởi các yếu tố tiêu cực làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương.

Về xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính tại Điều 126. Tại khoản 1 điều này quy định: "Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp". Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước là không khả thi. Vì trong thực tế, tang vật, phương tiện vi phạm thường có giá trị rất lớn như là ô tô, tàu, thuyền, v.v. nên khi thực hiện biện pháp cưỡng chế hành chính, đối tượng vi phạm không có điều kiện kinh tế để nộp tiền vào ngân sách nhà nước dẫn đến quyết định xử phạt không được thi hành. Vì thế, đại biểu kiến nghị xem xét lại quy định này nhằm bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật./.

Lan Hương

Các bài viết khác