GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI PHẢI TẠO ĐƯỢC SỰ CHUYỂN BIẾN TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ TÀI NGUYÊN ĐẤT

06/10/2021

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ góp phần khơi thông được nguồn tài chính đầu tư vào thị trường bất động sản một cách hiệu quả và tạo được sự chuyển biến trong quản lý nguồn tài nguyên đất, làm cho thị trường bất động sản minh bạch, sử dụng đúng mục đích, bảo đảm quyền lợi của người dân.

 

Luật Đất đai đã ra đời hơn 30 năm, với 5 lần sửa đổi, bổ sung và gần nhất là vào năm 2013. Nhiều ý kiến cũng như Tờ trình của Chính phủ đã chỉ ra, sau 7 năm, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo so với các Luật khác dẫn đến việc mập mờ về trách nhiệm quản lý, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện trong thực tiễn. Việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; nguồn lực về đất đai trong thời gian qua thiếu vắng của thị trường đất đai minh bạch, rõ ràng đã tác động xấu, làm méo mó quá trình đô thị; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra. Thực tế những năm qua, các kiến nghị, khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại.


Nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 có thể giải quyết được những bất cập trong quản lý đất đai hiện nay (ảnh minh họa).

Trước những bất cập nêu trên, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV quyết định đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 với kỳ vọng dự luật có thể giải quyết được những bất cập trong quản lý đất đai hiện nay.

Theo nhận định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động sâu rộng nhiều mặt đến kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, cần có thời gian để chuẩn bị, xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng, thận trọng. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không ban hành ngay Nghị quyết về đất đai (trong khi chờ sửa luật) và cho giữ dự án Luật này trong Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 và thứ 4 (năm 2022) để thông qua vào năm 2023.

Đất đai phải là nguồn lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội

Đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Luật Đất đai, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và việc sửa đổi Luật phải giải quyết một cách căn cơ những bất cập trong việc đền bù, giải tỏa mặt bằng, định giá đất sát với thực tế, khơi thông được nguồn tiền đầu tư vào thị trường bất động sản một cách hiệu quả. Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 cũng góp phần tạo được sự chuyển biến trong quản lý nguồn tài nguyên đất và làm cho thị trường đất đai minh bạch, sử dụng đúng mục đích hơn.

Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nêu quan điểm: Đại hội Đại biểu toàn quốc lần  thứ XIII của Đảng đã xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trụ cột và xây dựng thể chế, phát triển các thị trường là chú trọng đến thị trường đất đai và khoa học công nghệ.


Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

Khi Luật Đất đai còn có những bất cập thì nhiều nguồn lực đầu tư cho các dự án sẽ còn gặp vướng mắc và sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội trong 6 tháng, 1 năm, 5 năm và lâu hơn nữa. Như vậy, điều này sẽ tạo nên sự lãng phí nguồn lực từ đất đai. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai được đưa vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2021 là rất cần thiết vì việc góp ý sửa đổi Luật này rất khó, cần thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, đất đai là nguồn lực lớn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh nên việc sửa đổi Luật Đất đai cần phải nêu được những giải pháp để phát huy nguồn lực đầu tư từ nguồn tài nguyên này nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội; tránh lãng phí trong hoạt động đầu tư, xây dựng dự án từ đất đai hay kinh doanh từ thị trường bất động sản.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, cho rằng trên thực tế việc quản lý, sử dụng đất đai cho thấy đất đai chưa trở thành nguồn lực lớn, chưa được sử dụng tốt để phát triển kinh tế - xã hội. Những tiêu cực, sai phạm vẫn xảy ra trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều địa phương hay trong quá trình giao đất, thu hồi đất...


Đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum.

Việc sửa đổi Luật Đất đai đang nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân cả nước. Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến đối với việc sửa đổi Luật này vào kỳ họp thứ 3 năm 2022 và thông qua vào kỳ họp thứ 4 năm 2022. Còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thông qua theo quy trình 3 kỳ họp, đó là cho ý kiến ở kỳ họp thứ 3 vào kỳ họp thứ 4 và thông qua vào kỳ họp thứ 5 dự kiến diễn ra vào tháng 5/2023. Đây là sự thận trọng có cơ sở của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bởi Luật Đất đai có nhiều nội dung rộng lớn, phức tạp cả về lý luận và thực tiễn của vấn đề sở hữu, quản lý, sử dụng đất.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, việc sửa đổi Luật Đất đai là một trong những nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ. Do đó, việc quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai là nhiệm vụ hết sức quan trọng cần phải được bàn thảo rất kỹ lưỡng.

Sửa đổi Luật Đất đai sẽ tác động đến nhiều quy định của các văn bản pháp luật khác nên đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, cho rằng Quốc hội cần xem xét thông qua tại 3 kỳ họp và đề nghị xem xét đưa dự án sửa đổi Luật Đất đai vào kỳ họp cuối của năm 2021 để tiến độ hoàn thành việc sửa đổi Luật sớm hơn vào cuối năm 2022.


Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần có những giải pháp căn cơ, sớm giải quyết nhiều bất cập trong quản lý đất đai hiện hành cũng như đảm bảo quyền sử dụng tài sản gắn liền với đất đai của công dân.

Cần chú trọng việc định giá đất, đảm bảo khơi thông được nguồn tiền đầu tư


Đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà.

Đất đai là nguồn tài nguyên rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội và nhận được sự quan tâm của các tầng lớp Nhân dân. Đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà, bày tỏ điểm quan điểm khi sửa đổi Luật Đất đai cần chú trọng đến việc đóng góp ý kiến cho vấn đề bồi thường, giải tỏa mặt bằng, tái định cư cho người dân đến ở tại địa điểm khác khi Nhà nước, chính quyền địa phương có dự án xây dựng công trình xây dựng, cầu đường... Ngoài ra, việc định giá đất trả cho người dân khi bị giải tỏa để địa phương xây dựng các công trình, dự án cũng cần xem xét kỹ lưỡng. Việc làm này nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân và góp phần giúp cho sử dụng nguồn lực đầu tư, giải tỏa mặt bằng từ đất đai một cách hiệu quả, không bị lãng phí nên cũng cần được Quốc hội khóa XV đưa ra bàn thảo kỹ lưỡng.

Còn đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình dẫn thực tế là trên thị trường bất động sản, có thời điểm giá đất dành cho người mua có nhu cầu để ở tăng chóng mặt. Trong khi đó, thị trường bất động sản phục vụ cho ngành Du lịch lại trùng xuống hoặc đóng băng vì có địa phương và nhiều doanh nghiệp đã thực hiện xong việc giải tỏa đền bù mặt bằng nhưng khi triển khai dự án thì lại vướng một số bất cập trong Luật Đất đai và Luật Đấu thầu. Điều này sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp khi nguồn tiền đầu tư cho thị trường đất đai phục vụ ngành Du lịch bị dồn ứ đọng, không khơi thông được nguồn tiền đầu tư vào đây.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Thân, Quốc hội cần nhanh chóng xem xét, cho ý kiến sửa đổi Luật Đất đai. Trước tiên, để tháo gỡ  khó khăn cho doanh nghiệp, Quốc hội có thể đưa ra Nghị quyết tập trung giải quyết những vấn đề mà doanh nghiệp nêu lên.


Đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

Có thể khẳng định, việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 sẽ tác động đến quyền lợi của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp và tác động lớn đến đời sống của một bộ phận dân cư. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết với mục đích căn cơ lâu dài là phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội, tạo được sự chuyển biến trong quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên một cách hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo được quyền lợi của đông đảo tầng lớp Nhân dân. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai cũng cần thận trọng, kỹ lưỡng trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao nhất của tất cả các Bộ ngành, cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan./.

Bích Lan