Đại biểu Trần Chí Cường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng phát biểu thảo luận tại phiên họp 24/10
Đại biểu Trần Chí Cường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng cơ bản tán thành với nội dung đánh giá về tình tình, kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại và những giải pháp trong thời gian đến về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án. Đồng thời, đại biểu tham gia đóng góp một số nội dung để bổ sung làm rõ thêm như:
Thứ nhất, về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội.
Theo Báo cáo của Chính phủ, hầu hết các loại tội phạm đều giảm, trong đó tội giết người giảm 7,26%; mua bán người giảm 45,07%; cố ý gây thương tích giảm 6,45%; cướp tài sản giảm 24,02%; cưỡng đoạt tài sản giảm 3,84%; cướp giật tài sản giảm 10,53%; trộm cắp tài sản giảm 11,13%... Đại biểu cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực thực hiện các giải pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của các ngành chức năng thì cũng có nguyên nhân do thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là việc thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều địa phương cũng góp phần làm cho tỷ lệ các loại tội phạm giảm.
Tuy nhiên, với sự ảnh hưởng vô cùng to lớn của dịch bệnh Covid-19, nhất là tình trạng lợi dụng dịch bệnh để phạm tội, tình trạng mất việc làm, thất nghiệp gia tăng sẽ kéo theo nhiều vấn đề xã hội trong thời gian đến, trong đó có các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi xâm phạm tài sản, xâm phạm sở hữu sẽ có khả năng tăng cao và phát sinh nhiều hành vi, thủ đoạn phạm tội mới. Mặc dù trong Báo cáo của Chính phủ cũng đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết vấn đề này như bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ, giải quyết những khó khăn về đời sống của nhân dân do tác động của đại dịch Covid-19… Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến công tác dự báo về tình hình tội phạm trong thời gian tới và có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể và sát hợp hơn nữa để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý vấn đề này trong thời gian tới, nhất là công tác phòng ngừa. Đặc biệt là cơ chế phối hợp và quản lý công dân của địa phương nơi đang tạm trú, làm ăn sinh sống và địa phương là nơi trú quán, cư trú trong tình hình người dân dịch chuyển như vừa qua về các địa phương khá phức tạp.
Thứ hai, về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông.
Theo Báo cáo của Chính phủ, tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn ra rất phức tạp. Hoạt động tấn công mạng nhằm vào các cơ quan nhà nước có dấu hiệu gia tăng, mức độ nghiêm trọng; Tình trạng mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, sử dụng phần mềm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tín dụng trên Internet, giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tiếp tục gia tăng; Hoạt động tổ chức đánh bạc trên không gian mạng phức tạp cả về quy mô và sự đa dạng, nhất là các hoạt động cá cược khi diễn ra các giải đấu thể thao quy mô lớn. Đặc biệt, hành vi đưa tin sai sự thật, không được kiểm chứng trên không gian mạng gia tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch Covid-19…Theo đại biểu Cường, bên cạnh tính chất phức tạp, tinh vi của các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này thì việc xử lý chưa kiên quyết, chưa nghiêm và kịp thời của các cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân dẫn đến loại tội phạm ngày càng tăng cao.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của cử tri, thời gian qua có rất nhiều ứng dụng trên mạng internet hoạt động dưới hình thức cờ bạc trá hình, thậm chí lôi kéo người chơi bằng các hoạt động khiêu dâm, phản cảm; tình trạng lợi dụng mạng xã hội để có phát ngôn không đúng, dùng ngôn từ phản cảm, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhiều người, nhiều cơ quan, tổ chức, thậm chí còn xúc phạm cả tôn giáo... những hành vi này lôi kéo hàng triệu người tham gia, đặc biệt là thế hệ trẻ, gây bất ổn về an ninh trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội, diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa được các cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời, xử lý dứt điểm. Vấn đề này đã gây bức xúc rất lớn trong xã hội hiện nay. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa về việc quy định các chế tài và các biện pháp để các ngành chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nêu trên trên.
Thứ ba, về công tác thi hành án dân sự
Thi hành án dân sự trong bản án hình sự là một trong những vấn đề rất lớn, cần được chú trọng. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, các bản án hình sự liên quan đến hành vi tham nhũng, kinh tế được đặc biệt quan tâm. Thực tế, các cơ quan chức năng, các cơ quan tiến hành tố tụng có làm tốt đến bao nhiêu, kể từ khi phát hiện, đến khi thực hiện các quy trình điều tra, truy tố, xét xử và bản án có nghiêm minh đến đâu nhưng việc thi hành án không đạt hiệu quả, kết quả đạt được thấp; nhất là việc truy thu lại cho ngân sách nhà nước không đạt thì cũng chưa thật sự đạt được đầy đủ mục tiêu, hiệu quả của hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm và đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của nhân dân và cử tri đặt ra.
Theo báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp thì công tác phối hợp tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự mặc dù đạt kết quả cao; năm 2021, thu được trên 3.631 tỷ đồng, tăng 2,23% về tiền so với năm 2020. Tuy nhiên, nếu so với tổng số tiền phải thi hành án là trên 72.000 tỷ đồng, tương ứng với 4.799 việc phải thi hành liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế của năm 2021 thì con số thu được như trên chỉ bằng 5% là khá khiêm tốn.
Đồng thời, cũng theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp thì kết quả thi hành xong về tiền chỉ đạt 31,21% so với tổng số án có điều kiện thi hành và giảm 8,89% về tiền so với năm trước cũng là một vấn đề được đặt ra cần phải quan tâm. Nhất là trong bối cảnh hiện nay dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và dự liệu đến năm 2022 sẽ tiềm ẩn nhiều khó khăn hơn thì việc thi hành án sẽ cực kỳ khó khăn và tỷ lệ này có lẽ sẽ tiếp tục giảm sâu.
Bên cạnh đó, cũng theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp thì VKSND đã phát hiện 2.675 quyết định thi hành án có vi phạm, chủ yếu là vi phạm trong phân loại, xác minh điều kiện thi hành án, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới./.