ĐBQH BẾ MINH ĐỨC: ĐỀ NGHỊ XEM XÉT CẤP VỐN ĐỂ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

24/10/2021

Sáng 21/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; công tác phòng, chống dịch Covi-19 và một số nội dung quan trọng khác. Phát biểu ý kiến, đại biểu Bế Minh Đức kiến nghị cần sớm xem xét cấp vốn để triển khai chương trình mục tiêu quốc gia...

 

Đại biểu Bế Minh Đức - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Thảo luận tại tổ, đại biểu Bế Minh Đức - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, cơ bản nhất trí với các báo cáo: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT - XH năm 2022; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022 - 2024, trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương. Đại biểu bày tỏ tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về giải pháp điều hành trong phát triển KT - XH, đảm bảo về quốc phòng - an ninh cũng như những nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19…

Tuy nhiên, theo đại biểu Bế Minh Đức, Báo cáo của Chính phủ cũng có nêu một số tồn tại, hạn chế như:

Thứ nhất, công tác phòng chống dịch có nơi, có lúc còn bị động. Đặc biệt, với giai đoạn đầu xuất hiện dịch ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam và còn thiếu nhất quán trong các biện pháp phòng, chống dịch ở từng địa phương. Qua theo dõi báo chí thấy ở mỗi địa phương có những quy định khác nhau trong việc quản lý người dân, người đi đường hay là hướng dẫn để doanh nghiệp duy trì ổn định, phát triển sản xuất và có nhiều phản ánh việc gây khó khăn, phiền hà cho người dân.

Thứ hai, tiếp cận vaccine của chúng ta vẫn chậm. Chiến lược về vaccine cũng chưa kịp thời. Đặc biệt, năng lực y tế, hệ thống y tế của chúng ta nhất là ở cơ sở còn nhiều hạn chế.

Về kinh tế, dự báo nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội khó đạt được mục tiêu, như về tốc độ tăng trưởng GDP kế hoạch năm. Về giảm tỷ lệ hộ nghèo, đánh giá theo chuẩn đa chiều khó đạt được do ảnh hưởng dịch bệnh, tốc độ giảm nghèo cũng khó thực hiện được. Ngay ở Cao Bằng, là vùng xanh duy nhất tính đến thời điểm này trong cả nước, nhưng người dân vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt du lịch, dịch vụ hay việc làm người lao động do các nhà máy, các cơ sở công nghiệp bị dừng sản xuất, người dân, người lao động mất việc làm trở về địa phương cũng không có việc làm, hoạt động biên giới đóng cửa nên người dân cũng mất nguồn thu nhập… dẫn đến công tác giảm nghèo của Cao Bằng gặp phải nhiều khó khăn.

Thứ ba, về tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng cũng giảm, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu doanh nghiệp vay các tổ chức tín dụng mà bị đóng cửa dài ngày, nguy cơ phá sản lớn trong thời điểm dịch bùng phát và doanh nghiệp dừng sản xuất phải đóng cửa. Mặc dù đã có các chính sách về hỗ trợ về lãi suất, về giãn nợ... nhưng vẫn bị ảnh hưởng nhất định và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đại biểu Bế Minh Đức kiến nghị, để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 thì cần phải thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ cần phải xây dựng chiến lược vaccine bền vững và chủ động, rồi phủ kín để đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Ngoài ra phải lường trước được có thể có những loại virus khác khi xuất hiện.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ trong phát triển kinh tế, từng bước mở rộng về sản xuất, mở rộng các loại thị trường, vừa thu hút đầu tư của phát triển đầu tư ở trong nước, trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay, cần phải tiến hành khôi phục, trong đó có giải pháp về thúc đẩy xuất, nhập khẩu. Tiếp nữa xem xét giải quyết kịp thời vốn đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia và vốn đầu tư công để triển khai chủ động đến tất cả các cấp. Đến thời điểm này, ba chương trình mục tiêu quốc gia chưa được Chính phủ giao vốn để triển khai thực hiện. Chỉ có một số ít về vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được giao tới địa phương, còn lại chưa có và cũng rất chậm. Điều này đã ảnh hưởng đến nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số miền núi, ảnh hưởng đến mục tiêu về giảm nghèo nhanh và bền vững ở những vùng lõi nghèo như tỉnh Cao Bằng. Và nguồn vốn đầu tư công của năm 2021 được giao khá chậm. Hiện tại, Cao Bằng vẫn chưa được chưa triển khai vốn đầu tư công đến cơ sở. Hội đồng nhân dân của các huyện đến nay vẫn chưa thông qua được Nghị quyết đầu tư công của địa phương mình. Do vậy, kiến nghị Chính phủ cần phải sớm để vừa chỉ đạo xem xét sớm cấp vốn về cho Chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai và Cao Bằng đang cần các nguồn lực này để phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực để phát triển vùng, nhất là vùng đặc biệt khó khăn như các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, trong đó có tỉnh Cao Bằng và đặc biệt ưu tiên nguồn lực cho các tuyến đường cao tốc kết nối./.

Hà Lan