ĐẠI BIỂU NGUYỄN ĐẠI THẮNG ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, HÀNH CHÍNH

24/10/2021

Trong phiên thảo luận ngày 24/10, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên nhất trí cao với các Báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng,..đồng thời đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng bày tỏ nhất trí cao công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng; kết quả công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Tòa án nhân dân tối cao năm 2021. Tôi cũng nhất trí cao với Tờ trình và dự thào Nghị quyết cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về tổ chức phiên tòa trực tuyến là cần thiết trong điều kiện hiện nay, để khắc phục tình trạng phải hoãn, dừng việc xét xử do các địa phương phải thực hiện giãn cách phòng, chống dịch Covid-19. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân.

Năm 2021 mặc dù gặp nhiều khó khăn, song Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ Quốc hội giao. Các báo cáo đã phản ánh đầy đủ các mặt công tác, những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Về công tác thi hành án dân sự, hành chính. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thi hành án, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Kết quả thi hành xong đạt 75,82% về việc và 31,2% về tiền so với tổng số việc có điều kiện thi hành; công tác phối hợp, triển khai tổ chức thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự đạt kết quả cao.

Tuy nhiên, kết quả thi hành án dân sự giảm 5,59% về việc và 8,89% về tiền so với năm 2020. Tình trạng vi phạm trong quá trình tổ chức thi hành án như ra quyết định thi hành án, việc phân loại, xác minh điều kiện thi hành án còn xảy ra nhiều; tỷ lệ thi hành án hành chính mặc dù có tăng so với năm trước nhưng vẫn thấp, chỉ đạt 48,13%.

Để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo, phối hợp tốt với cơ quan thi hành án dân sự, nhất là nâng cao vai trò của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự; có giải pháp để nâng cao tỷ lệ thi hành án hành chính, thực hiện xử lý trách nhiệm những trường hợp không chấp hành án hành chính. Vì thi hành án dân sự là hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền về tài sản và nhân thân của các bên đương sự; để giải quyết việc thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải tiến hành nhiều thủ tục như: Thông báo, xác minh, áp dụng các biện pháp đảm bảo, biện pháp cưỡng chế thi hành án. Đây là khâu công tác rất khó khăn và nan giải, vì thực tế đã thường xuyên xảy ra trường hợp không chấp hành, chống đối, bất hợp tác của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, chủ yếu là người phải thi hành án. Nên nếu không có sự chỉ đạo, phối hợp tốt của các cơ quan, tổ chức có liên quan thì cơ quan thi hành án không thể một mình thực hiện tốt được.

Thứ hai, Cơ quan thi hành án phải làm tốt việc xác minh, phân loại vụ việc thi hành án dân sự để kịp thời đưa những vụ việc có điều kiện, có tài sản ra thi hành; nhất là phải chủ động tham mưu cho Ban chỉ đạo thi hành án dân sự để chỉ đạo những vụ việc có khó khăn, phức tạp trong việc xác minh tài sản thi hành án, phải tổ chức cưỡng chế thi hành án; kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chấp hành viên, hạn chế những vi phạm trong việc ra quyết định thi hành án, trong phân loại, xác minh điều kiện thi hành án, trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế cũng như xử lý tài sản, vật chứng có liên quan.

Thứ ba, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những nội dung của Luật Thi hành án dân sự năm 2014 và các văn bản liên quan đến công tác thi hành án dân sự đến các cấp, các ngành và phổ biến sâu rộng trong quần chúng nhân dân để người dân hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực thi pháp luật nói chung và công tác thi hành án dân sự nói riêng. Cơ quan thi hành án cần tăng cường phối hợp với các cơ quan tổ chức có liên quan; triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp liên ngành tư pháp tại địa phương có liên quan đến lĩnh vực thi hành án dân sự.

Thứ tư, đề nghị các cơ quan pháp luật khi điều tra, xử lý vụ án về kinh tế, tham nhũng cần kịp thời quan tâm áp dụng các biện pháp để chống tẩu tán tài sản, như kê biên tài sản, đóng các tài khoản ngân hàng, kịp thời quản lý, thu giữ vật chứng và những tài sản có liên quan để bảo đảm cho quá trình thi hành án sau này./.