Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng K' Nhiễu phát biểu ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030
Đại biểu K’ Nhiễu đánh giá cao việc Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là quyết định mang tính lịch sử, nhằm tạo bước đột phá cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2030. Nhưng đến nay, Chính phủ chưa phê duyệt quyết định đầu tư (ngày 14/10/2021 TTg đã ban hành QĐ số 1719 về Phê duyệt Chương trình). Hầu hết các chương trình, chính sách dân tộc đã hết hiệu lực vào năm 2020, nhiều chính sách được tích hợp vào Chương trình. Nếu không triển khai kịp thời, các chính sách dân tộc sẽ bị gián đoạn, làm chậm cơ hội tiếp cận nguồn lực để phát triển, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện mục tiêu Chương trình đã đề ra.
Trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ tham mưu nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản triển khai thực hiện Chương trình. Trên cơ sở các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đã ban hành một số văn bản làm cơ sở để triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo để chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ Chương trình; một số văn bản chỉ đạo các địa phương để thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn. Ban Chỉ đạo đã ban hành chương trình công tác năm 2021, tổ chức các phiên họp để triển khai các nhiệm vụ của Chương trình.
Tuy nhiên, đối chiếu với những nhiệm vụ tại Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, Quyết định số 1409/QĐ-TTg ngày 15/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay qua hơn một năm triển khai, tiến độ thực hiện Chương trình quá chậm, nhiều văn bản pháp lý quan trọng làm cơ sở để tổ chức thực hiện chưa được ban hành. Theo báo cáo của Chính phủ, hầu hết các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành nêu trên vẫn đang trong quá trình xây dựng, dự kiến sẽ ban hành vào cuối năm 2021, làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện Chương trình.
Bên cạnh đó, do chưa kiện toàn Ban Chỉ đạo chung cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội; chưa có Quyết định phê duyệt đầu tư Chương trình ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai và giải ngân thực hiện Chương trình. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đối với các bộ, ngành liên quan, gắn vai trò, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân đối với công tác quan trọng này.
Đại biểu cũng đánh giá cao các cơ quan Chính phủ trong việc chủ động huy động nguồn vốn để thực hiện Chương trình. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ngân sách Nhà nước khó khăn, các bộ, ngành đã chủ động làm việc với các định chế tài chính, đối tác phát triển để hỗ trợ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi bổ sung thêm cho Chương trình. Tuy nhiên, đại biểu K’ Nhiễu cho rằng, đây là Chương trình mang tính tổng thể đối với vùng vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hầu hết các địa phương thụ hưởng Chương trình là các tỉnh gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách, phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách Trung ương. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể khả năng cân đối, bố trí ngân sách Trung ương theo Nghị quyết số 120 /2020/QH14 của Quốc hội, đồng thời làm rõ và thống nhất việc bố trí nguồn vốn sự nghiệp. Nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ cân đối nguồn vốn tín dụng chính sách 19.727 tỷ đồng theo Nghị quyết của Quốc hội.
Đại biểu K’ Nhiễu cũng kiến nghị, Chính phủ cần sơ kết, đánh giá 01 năm triển khai thực hiện Chương trình, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó chủ yếu là nguyên nhân chủ quan trong việc chậm thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, cần sớm ban hành Quyết định đầu tư và các văn bản về cơ chế, chính sách, hướng dẫn, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình. Khẩn trương ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chung của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc của Chương trình đề ra: Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho vùng khó khăn, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất. Cùng với đó, cần rà soát hệ thống các văn bản, chính sách pháp luật có liên quan để điều chỉnh, bổ sung, tạo cơ chế thuận lợi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Đối chiếu, bám sát mục tiêu của Nghị quyết 88/2019/QH14 đã đề ra đến năm 2025, trên cơ sở đó có kế hoạch từng năm, 3 năm, 5 năm, năm 2025 tiến hành tổng kết làm cơ sở xây dựng Chương trình giai đoạn tiếp theo./.