ĐẠI BIỂU HOÀNG ĐỨC THẮNG: CẦN PHẢI THÍ ĐIỂM ĐỂ CÓ ĐÁNH GIÁ TỔNG KẾT VỀ PHIÊN TÒA TRỰC TUYẾN

24/10/2021

Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là nội dung mới nhận được rất nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng 24/10. Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng cần nghiên cứu thận trọng vì việc này liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu thảo luận

Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng; hình thức xét xử trực tuyến là hình thức mới, nhưng đây không phải là hình thức có thể thay thế hoàn toàn hình thức xét xử trực tiếp. Hình thức này vừa có ưu điểm những vẫn có nhiều hạn chế. Vì thế phải lựa chọn những vụ án có tình tiết đơn giản và tài liệu chứng cứ rõ ràng, cân nhắc thận trọng. Đại biểu đề nghị, cần bổ sung thêm yêu cầu xét xử những vụ án mà ở đó TAND và các đương sự, bị can, bị cáo và các tổ chức cá nhân liên quan có đủ điều kiện, bảo đảm cho sự tham gia đầy đủ theo yêu cầu xét xử, nếu không quy định điều này thì tính khả thi tổ chức các phiên tòa trực tuyến khó thực hiện được, hoặc thực hiện không bảo đảm các nguyên tắc tố tụng.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh: Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là hình thức mới không tránh khỏi những bở ngỡ, khó khăn và hạn chế, vì vậy nhất thiết phải làm thí điểm, không cầu toàn nhưng phải cầu thị vừa làm vừa rút kinh nghiệm để bổ sung hoàn thiện, đây là quá trình thí điểm để đi đến quá trình hoàn thiện hình thức mới để tiến tới đi vào quy định chính thức và luật hóa để bảo đảm cơ sở pháp lý chắc chắn là điều cần thiết. Ngược lại, quá trình thí điểm phát sinh những vấn đề ngoài dự báo không như ý muốn phải xem xét toàn diện để có thể nên hay không hình thức này hay hình thức kia. Từ những lập luận đưa ra, Đại biểu Hoàng Đức Thắng cũng đã đề nghị Quốc hội nên xây dựng nghị quyết của Quốc hội theo hướng nghị quyết thí điểm như: “Thay đổi tiêu đề nghị quyết thành “Nghị quyết thí điểm về phiên tòa trực tuyến”; Xác định thời gian thí điểm 3 năm như Ủy ban Tư pháp là có cơ sở. 3 năm là thời gian để thí điểm và thông qua đó để đánh giá, chứ không phải thực hiện trong 3 năm như Chánh án TATC trình bày, sau đó cần xem xét bổ sung nội dung này vào các quy định của pháp luật tố tụng, để bảo đảm tính pháp lý và thống nhất như ý kiến đề xuất của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội”.

Cũng tại phiên thảo luận góp ý Dự thảo Nghị quyết này, đại biểu Hoàng Đức Thắng bày tỏ băn khoăn khi thời gian qua, tại một số tỉnh được Chánh án TANDTC cho phép xét xử một số vụ án bằng hình thức trực tuyến và tới đây sẽ tiếp tục đưa một vụ án hình sự ra xét xử bằng hình thức trực tuyến, việc xét xử các phiên tòa như vậy khi chưa có Nghị quyết của Quốc hội liệu có đảm bảo cơ sở pháp lý hay không. Đại biểu kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có báo cáo về các phiên tòa xét xử trực tuyến trong thời gian qua./.

Võ Linh