Qua nghiên cứu nội dung dự thảo Luật cùng Tờ trình của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi theo nội dung của dự thảo Luật. Việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật đảm bảo lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phù hợp với thực tiễn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng nói chung và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nói riêng. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật trước khi Quốc hội xem xét thông qua, đại biểu đề xuất một số ý kiến sau:
Thứ nhất về Báo cáo thẩm tra, đại biểu tán thành với ý kiến của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về đề nghị bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới khoản 1 Điều 226 của Bộ Luật Hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, không sửa đổi quy định liên quan với chỉ dẫn địa lý tại khoản 3, khoản 4 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi. Việc sửa đổi, bổ sung nội dung theo ý kiến của Ủy ban Tư pháp đã đủ đáp ứng với các quy định của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam đã tham gia.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên phát biểu thảo luận
Thứ hai về nội dung của dự thảo Luật, đề nghị bổ sung nội dung “vào sổ tiếp nhận thông tin tố giác, tin báo về tội phạm” vào khoản 1 Điều 1 và khoản 1 Điều 2 như sau: “Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, vào sổ tiếp nhận thông tin tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”. Thực tế trong quá trình thi hành Luật, một số trường hợp tin báo, tố giác tội phạm được gửi qua đường bưu điện, điện thoại hoặc những thông tin có dấu hiệu tội phạm được phản ánh qua phương tiện thông tin đại chúng, hòm thư điện tử, báo viết, báo hình,…Vì vậy, nếu quy định như dự thảo Luật thì sẽ gây khó khăn trong việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm trong những trường hợp nêu như trên.
Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nội dung “lấy lời khai ban đầu của người bị bắt và những người có liên quan” vào khoản 2 Điều 2 như sau: “ Trường hợp Công an xã , phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu của người bị bắt và những người có liên quan, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.” Nếu như thực hiện theo quy định trong dự thảo Luật, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Công an cấp xã sẽ không thực hiện được những nhiệm vụ cấp bách như: ngăn chặn hành vi phạm tội, truy bắt đối tượng thực hiện hành vi phạm tội theo dấu vết nóng, ngăn chặn việc tiêu hủy tài liệu chứng cứ, tẩu tán tang vật và những hậu quả khác, ghi lời khai của người làm chứng, người bị hại và người liên quan,…Nên việc bổ sung quy định: “lấy lời khai ban đầu của người bị bắt và những người có liên quan” là phù hợp với thực tiễn đẫu tranh phòng, chống tội phạm.
Thứ ba, ngoài những nội dung sửa đổi như dự thảo Luật, trong quá trình thi hành, Bộ Luật Tố tụng còn phát sinh một số vướng mắc cần được nghiên cứu để có lộ trình sửa đổi đảm bảo phù hợp với thực tế thi hành Bộ Luật. Tại khoản 3 Điều 147 Bộ Luật Tố tụng hình sự: khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra, xác minh không có quy định tiến hành hoạt động khám xét. Thực tế trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, nhiều trường hợp khẩn cấp cần khám xét nơi ở, nơi làm việc của đối tượng liên quan trước khi khởi tố để làm căn cứ xử lý, tránh đối tượng xóa dấu vết, kịp thời thu giữ vật chứng có liên quan. Việc khám xét phải có quy định chặt chẽ, bảo đảm vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách, cũng để tránh lạm dụng thực hiện khám xét không đúng quy định.
Tại khoản 2 Điều 155 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ”. Tuy nhiên, theo các quy định xét xử phúc thẩm của Bộ Luật Tố tụng hình sự thì không đề cập đến vấn đề người khởi tố rút yêu cầu khởi tố tại phiên toà xét xử phúc thẩm và hướng giải quyết sau đó như nào. Như vậy, về căn cứ đình chỉ vụ án không có quy định trường hợp người bị hại rút yêu cầu khởi tố tại phiên tòa phúc thẩm quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ Luật Tố tụng hình sự. Trường hợp này, Tòa án chỉ có thể đình chỉ việc xét xử phúc thẩm nhưng vấn đề đặt ra là phải giải quyết hiệu lực của bản án sơ thẩm như thế nào. Vì vậy, trong Bộ Luật Tố tụng hình sự phải quy định rõ: “khi trường hợp bị hại rút yêu cầu tại phiên tòa phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm phải đình chỉ xét xử phúc thẩm, hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”. Về những bất cập này, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu, sớm đề xuất để có lộ trình sửa đổi Bộ Luật Tố tụng hình sự cho phù hợp với thực tiễn./.