ĐẠI BIỂU NGUYỄN TẠO: SỬA ĐỔI BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ TƯƠNG THÍCH VỚI HIỆP ĐỊNH CPTPP

25/10/2021

Sáng 25/10, tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo tán thành với quan điểm sửa đổi Bộ Luật Tố tụng hình sự để tương thích với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP).

Các Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cùng các đơn vị, cơ quan có liên quan dự họp tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng

Góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo nhấn mạnh, Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP). Theo Nghị quyết này, thời điểm cam kết liên quan đến Bộ Luật Tố tụng hình sự trong Hiệp định là 03 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực, tức là ngày 14/01/2022.

Qua nghiên cứu, rà soát, đối chiếu, xin ý kiến các Bộ, ngành cho thấy, quy định tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ Luật Tố tụng hình sự chưa tương tích với điểm g khoản 6 Điều 18.77 Hiệp định CPTPP đối với nội dung liên quan đến việc cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần yêu cầu của người bị hại; từ đó, đặt ra yêu cầu phải bỏ quy định dẫn chiếu đến hành vi này tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ Luật Tố tụng hình sự.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tham gia ý kiến tại phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Tạo cũng đề nghị, về vấn đề bổ sung tăng thẩm quyền của lực lượng công an xã, cần phải đánh giá thống nhất hệ thống pháp luật khi bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an) trong Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015. Hiện nay, lực lượng Công an xã đã được tổ chức chính quy 100% nên Công an xã đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Công an nhân dân. Trong đó, có những quy định chung về nhiệm vụ tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm (Luật Công an nhân dân không quy định nhiệm vụ cụ thể của Công an xã khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm). Do vậy, việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an) tại điều 146 trong Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 không mâu thuẫn với quy định của Pháp lệnh Công an xã và Luật Công an nhân dân.

Đối với Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, tại Điều 44 của luật đã quy định về trách nhiệm công an xã về tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm tương tự Điều 146 trong Bộ Luật Tố tụng hình sự. Do vậy, căn cứ vào quy định tại Điều 12 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nếu sửa đổi điều 146 của Bộ Luật Tố tụng hình sự theo hướng nêu trên thì cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Điều 44 của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, đề nghị quy định rõ cụm từ “chuyển ngay” tại khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật, cần phải xác định rõ “thời hạn” cụ thể và được ghi nhận tại điều khoản chuyển tiếp để tăng cường trách nhiệm và bảo đảm sự chuẩn bị cho đáo cho lực lượng Công an xã, bởi theo Đề án 106 của Bộ Công an thì việc xây dựng và bố trí trụ sở của Công an xã cùng với các điều kiện làm việc còn gặp rất nhiều khó khăn (28/111 xã)./.

Kim Liên - Đức Hưng