ĐẠI BIỂU ĐOÀN THỊ HẢO: CẦN QUY ĐỊNH TĂNG TÍNH CHỦ ĐỘNG VÀ TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM

25/10/2021

Tham gia thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Hảo, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên bày tỏ sự đồng tình với việc xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và mong muốn dự thảo luật khi được thông qua sẽ tăng tính chủ động và chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Trong phiên thảo luận sáng 25/10, đại biểu Đoàn Thị Hảo, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên bày tỏ sự đồng tình với việc xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đồng thời nhất trí với phạm vi sửa đổi như trong Tờ trình của Chính phủ và các nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế. Đại biểu cũng mong muốn, dự thảo luật khi được thông qua sẽ tăng tính chủ động và chịu trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt coi trọng chất lượng và sự an toàn của thị trường; hình thành một hệ thống thị trường bảo hiểm đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước.

Đối với quy định về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm, pháp luật có liên quan tại Điều 3, đại biểu đề nghị cân nhắc lại nội dung “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và luật khác về cùng một nội dung … thì thực hiện theo quy định của Luật này” cho thống nhất với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình cao với quy định tại khoản 1 Điều 15 “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản”. Vì giao dịch hợp đồng là nội dung quan trọng, ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong giao kết hợp đồng. Đồng thời, đề nghị rà soát lại quy định tại khoản 2 Điều 15 “Hợp đồng bảo hiểm có thể được thể hiện bằng… các hình thức giao dịch dân sự khác phù hợp với quy định của pháp luật” theo hướng: Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản, đảm bảo thống nhất trong áp dụng.

Đối với quy định về hợp đồng bảo hiểm (Điều 12), đại biểu đề nghị bổ sung quy định về hợp đồng mẫu, trong đó quy định cụ thể, chi tiết về những nội dung bắt buộc, những nội dung thỏa thuận trong hợp đồng, đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận và thực hiện các giao dịch về bảo hiểm để thuận tiện cho người tham gia bảo hiểm nghiên cứu các điều khoản.

Về nội dung Quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Điều 151), đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định Bộ Tài chính có nhiệm vụ, quyền hạn “Tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm”. Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước, chỉ nên tập trung vào việc ban hành, hướng dẫn thực hiện chính sách; thực hiện kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách, đảm bảo phù hợp với yêu cầu xã hội hóa ngày càng cao hiện nay. Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ, tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghề nghiệp, đăng ký và quản lý hành nghề, kiểm soát chất lượng dịch vụ, kiểm soát đạo đức nghề nghiệp... nên giao cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp như đối với các hoạt động khác (chứng khoán, đấu giá tài sản...)./.

Thu Hoài