Đại biểu Lương Văn Hùng nêu quan điểm về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Góp ý về nội dung dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Lương Văn Hùng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 thì doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể “kết hợp các loại hợp đồng bảo hiểm trong một hợp đồng bảo hiểm được quy định tại khoản 1 Điều này”. Như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm có thể ký kết nhiều loại hợp đồng bảo hiểm trong cùng một hợp đồng (con người và hợp đồng bảo hiểm tài sản và thiệt hại), kể cả sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 67 Dự thảo luật thì “doanh nghiệp bảo hiểm không được phép kinh doanh đồng thời bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe” trừ 3 trường hợp quy định tại khoản này. Do đó, để đảm bảo tính cụ thể và thống nhất, đại biểu đề nghị Chính phủ quy định chi tiết các trường hợp nêu trên.
Để bảo vệ tối đa quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, đại biểu đề nghị sửa quy định tại Điều 13 về trách nhiệm doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm đề nghị bên thứ ba (thế quyền) hoàn trả cho doanh nghiệp nếu người tham gia bảo hiểm không thể trả chứ không phải nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm. Đồng thời sửa Khoản 5: Tất cả rủi ro xảy ra trong phạm vi bảo hiểm phải được thanh toán chứ không chỉ quy định rủi ro được bảo hiểm phải là những rủi ro bất ngờ, không lường trước được, không có lỗi của người mua bảo hiểm.
Khoản 3 Điều 16 Dự thảo quy định không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp bên mua bảo hiểm có lý do bất khả kháng trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm. Đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng thời gian thông báo về sự kiện bảo hiểm không liên quan đến sự kiện bảo hiểm (nghĩa là thực tế sự kiện bảo hiểm đã xảy ra). Do đó, việc đặt ra quy định không áp dụng điều khoản loại trừ trong trường hợp bên mua bảo hiểm có lý do bất khả kháng khi chậm thông báo về sự kiện bảo hiểm là chưa phù hợp.
Về Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, Điểm b khoản 1 Điều 22 Dự thảo quy định hợp đồng vô hiệu khi “tại thời điểm giao kết hợp đồng, đối tượng bảo hiểm không tồn tại”. Quy định trên chưa rõ “đối tượng bảo hiểm không tồn tại” được hiểu là “không có đối tượng bảo hiểm” hay là “đối tượng bảo hiểm không tồn tại về mặt vật lý”? Nếu được hiểu “không có đối tượng bảo hiểm” thì quy định hợp đồng vô hiệu là hợp lý, nhưng “đối tượng bảo hiểm không tồn tại về mặt vật lý” lại là chưa phù hợp, bởi vì những tài sản hình thành trong tương lai (ví dụ: nhà ở) cũng được xem là một loại tài sản được bảo hiểm. Tại thời điểm giao kết hợp đồng, nhà ở chưa hề tồn tại về mặt vật lý. Vì vậy, đề nghị điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo tính rõ ràng và phù hợp khi xác định các trường hợp hợp đồng vô hiệu.
Cuối cùng, đại biểu băn khoăn khi toàn bộ nội dung dự thảo luật chưa có quy định về xử lý vi phạm luật kinh doanh bảo hiểm và quy định về khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đây là những quy định rất quan trọng cần phải được bổ sung vào dự thảo luật./.