ĐẠI BIỂU TRẦN ĐÌNH VĂN: ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG PHÁT HUY TÍNH CHỦ ĐỘNG CỦA CÁC ĐẠI BIỂU

29/10/2021

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã phát huy tính dân chủ, trí tuệ, chủ động của các đại biểu, tham gia tích cực các nội dung của kỳ họp, đáp ứng sự tin tưởng của cử tri và nhân dân trên địa bàn. Đó là khẳng định của ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng.

 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn trả lời phỏng vấn bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về chất lượng, nội dung, sự đổi mới của đợt 1 họp trực tuyến của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV?

Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Có thể nói, đợt 1 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV là kỳ họp đặc biệt, được tổ chức bằng hình thức họp trực tuyến nhưng đã đảm bảo tốt về nội dung, chương trình cũng như chất lượng các buổi họp. Chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, khoa học, tận dung tối đa thời gian kể cả ở phiên thảo luận tại tổ và thảo luận trực tuyến, nhờ vậy đã rút ngắn số ngày họp so với dự kiến ban đầu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, chuyển tải nội dung hợp lý. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong họp trực tuyến, kết nối các điểm cầu thông suốt, chất lượng tốt. Các nội dung, hồ sơ trình Quốc hội được chuẩn bị công phu, chất lượng, nhất là đối với các dự án luật. Công tác tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội được thực hiện kịp thời, chính xác. Công tác điều hành của chủ tọa các phiên họp được thực hiện khoa học, linh hoạt, đảm bảo đúng nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp cũng được triển khai bài bản, chặt chẽ, thường xuyên; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19.

Phóng viên: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã phát huy tính dân chủ, trí tuệ, tích cực, chủ động của các đại biểu tại đợt họp trực tuyến của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV như thế nào?

Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Ngay khi nhận được các tài liệu từ các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tổ chức thảo luận, nghiên cứu, góp ý. Do đó, tất cả nội dung của kỳ họp đều được các đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tích cực tham gia góp ý. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng có sự phân công nhiệm vụ đến từng đại biểu để các đại biểu nghiên cứu, phát huy vai trò, trách nhiệm trong tham gia đóng góp các dự thảo luật, nghị quyết và các vấn đề quan trọng khác. Những ý kiến góp ý đều thể hiện được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và quan điểm đóng góp của các đại biểu để góp phần hoàn thiện các dự thảo luật, thể hiện quan điểm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, những vấn đề về kinh tế - xã hội, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng quan tâm như thế nào?

Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Chúng tôi rất kỳ vọng vào thành công của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trong đó có những quyết sách về khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, chúng tôi quan tâm đến vấn đề đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế là một chủ trương lớn của Đảng trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025, theo tôi một trong những nội dung quan trọng đó là cần tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, làm tốt được những nội dung này sẽ tạo đột phá trong phát triển.

Riêng đối với tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi đặc biệt quan tâm về việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hiện nay, tuy nông nghiệp công nghệ cao của địa phương đã có bước phát triển mạnh mẽ và đang đẩy mạnh phát triển theo hướng nông nghiệp thông minh, hữu cơ, nhưng tỉnh vẫn gặp một số khó khăn trong việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Quốc hội, Chính phủ tạo điều kiện để tỉnh thúc đẩy chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, để nâng cao giá trị các sản phẩm của tỉnh, từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Vấn đề thứ hai là phát triển du lịch, Lâm Đồng nói chung, thành phố Đà Lạt nói riêng có tiềm năng, thương hiệu về phát triển du lịch. Hàng năm tỉnh thu hút khoảng 7 triệu lượt khách, trong đó khoảng 500 nghìn lượt khách quốc tế; là địa phương với điểm mạnh là du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái với nhiều khu, điểm du lịch đẹp, hấp dẫn và hệ thống khách sạn đạt chuẩn từ 2 sao trở lên, có cảng hàng không dân dụng khai thác nhiều chuyến bay trong nước và quốc tế, ngành du lịch chiếm tỷ trọng lớn tổng thu ngân sách của tỉnh. Khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, lây lan nhanh trên cả nước đã tác động lớn đến ngành du lịch của tỉnh. Hiện tỉnh Lâm Đồng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để khôi phục ngành du lịch nhằm thích ứng linh hoạt, tận dung tốt cơ hội phát triển sau đại dịch, tiếp tục hướng đến mục tiêu phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh Lâm Đồng. Do đó, chúng tôi mong muốn, Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến giải pháp tăng cường thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng; tạo điều kiện cho thành phố Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung về phát triển các khu đô thị du lịch; có các cơ chế thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển các sản phẩm du lịch mới. Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục phát triển các giá trị du lịch mang đặc trưng riêng có của địa phương, qua đó, đẩy mạnh phát triển ngành du lịch của tỉnh nói riêng, góp phần thúc đẩy cho ngành kinh tế du lịch chung của cả nước./.

Kim Liên - Đức Hưng