Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Phạm Thị Kiều phát biểu thảo luận
Theo đại biểu Phạm Thị Kiều, đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông để đảm bảo Luật bao hàm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các đối tượng tham gia bảo hiểm, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu lại tên Luật theo hướng mở rộng bởi cụm từ “kinh doanh bảo hiểm” mới chỉ gói gọn đối tượng điều chỉnh là những cá nhân, tổ chức có mục đích lợi nhuận, nội hàm chưa bao quát hết đối tượng “người mua bảo hiểm”, đặc biệt là “người được bảo hiểm, người thụ hưởng” quy định tại khoản 3 Điều 2 của dự thảo.
Về việc quy định cơ quan Trung ương chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm là Bộ Tài chính không thể bao quát, quản lý chi tiết ở từng địa phương với điều kiện đặc thù khác nhau. Đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước tại địa phương là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vì như vậy phù hợp với quy định ở cấp tỉnh hiện tại.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Thị Kiều cho rằng có sự mâu thuẫn giữa khoản 1 với khoản 2 tại điều 15 khi quy định về Hình thức hợp đồng bảo hiểm. Tại khoản 2, điều 15 quy định “các hình thức giao dịch dân sự khác” như vậy mức độ khá rộng, có thể hiểu là thỏa thuận miệng, rất khó để áp dụng vào thực tiễn trong việc truy cứu trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm khi xảy ra tranh chấp. Đại biểu đề nghị bỏ khoản 2, Điều 5 và bổ sung thêm hình thức “giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm” vào khoản 1 là đầy đủ “Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản hoặc được thể hiện bằng giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm”.
Theo khoản 2, điều 83 cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm: Hội đồng thành viên, tổng giám đốc, ban kiểm soát… Đại biểu đề nghị bỏ quy định phải có ban kiểm soát đối với trường hợp công ty TNHH tại khoản 2, do Luật doanh nghiệp 2020 chỉ quy định bắt buộc có ban kiểm soát đối với công ty TNHH là doanh nghiệp nhà nước còn trường hợp khác không bắt buộc do điều 54, điều 79 luật doanh nghiệp 2020 đã quy định./.