ĐẠI BIỂU TRẦN THỊ HỒNG THANH: TÁN THÀNH BỔ SUNG DANH HIỆU XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TIÊU BIỂU

29/10/2021

Thảo luận về Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng(sửa đổi), đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Trần Thị Hồng Thanh tán thành việc bổ sung danh hiệu thi đua xã tiêu biểu, phường, thị trấn tiêu biểu và cho rằng điều này góp phần nâng cao tiêu chuẩn của các danh hiệu thi đua và phù hợp với chủ trương đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở.

 

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh phát biểu thảo luận từ điểm cầu trực tuyến Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng(sửa đổi) đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng đổi mới về công tác thi đua, khen thưởng của Đảng, khắc phục được những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, bổ sung những vấn đề mới phát sinh, phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới. Đại biểu tham gia đóng góp một số ý kiến như sau:

Một, về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp đối với cá nhân quy định từ Điều 18 đến Điều 20. Dự thảo luật đã quy định cụ thể tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua các cấp, bổ sung tiêu chuẩn có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học đã được nghiệm thu và được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn. Nội dung sửa đổi, bổ sung này là cần thiết, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan. Tuy nhiên, đối với cấp cơ sở là cấp thực thi chính sách pháp luật, do vậy không phải cá nhân nào cũng có điều kiện nghiên cứu xây dựng sáng kiến, đề tài khoa học. Do vậy, để đảm bảo phù hợp với thực tiễn ở cơ sở, đại biểu đề nghị tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, ngoài tiêu chuẩn có sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học nên bổ sung tiêu chuẩn hoặc có tham gia vào việc soạn thảo, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án phục vụ nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương mang lại hiệu quả được tính là tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở tương đương như tiêu chuẩn có sáng kiến hoặc đề tài khoa học.

Hai, về một số nội dung bổ sung danh hiệu thi đua xã tiêu biểu, phường, thị trấn tiêu biểu. Việc bổ sung các danh hiệu thi đua này sẽ nâng cao tiêu chuẩn của các danh hiệu thi đua hiện hành lên mức cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng xét tặng các danh hiệu thi đua. Đồng thời, phù hợp với chủ trương đưa phong trào thi đua hướng về cơ sở. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn quy định về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu phường, thị trấn tiêu biểu quy định tại khoản 2 Điều 26 của dự thảo luật. Để một phường, thị trấn đạt danh hiệu tiêu biểu thì phường, thị trấn đó trước hết phải là một đô thị có chất lượng, đạt được các tiêu chí của một đô thị văn minh. Tiêu chuẩn phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị quy định tại Thông tư số 02 ngày 24/1/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gồm có:

Một là, quản lý kiến trúc, xây dựng đô thị theo quy hoạch.

Hai là, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa.

Ba là, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường văn minh đô thị.

Bốn là, xây dựng phong trào văn hóa thể thao.

Năm là nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.

Tuy nhiên, quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu phường, thị trấn tiêu biểu như trong dự thảo chưa bao quát đầy đủ toàn diện các yếu tố tiêu chí để đánh giá chất lượng của một đô thị. Do vậy, để đảm bảo đúng tính chất tiêu biểu khi xét tặng danh hiệu tiêu biểu cho phường, thị trấn, đề nghị tại khoản 2 Điều 26 bổ sung tiêu chuẩn đạt chuẩn văn minh đô thị và bỏ tiêu chuẩn thực hiện tốt việc quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch, vì trong tiêu chuẩn đạt chuẩn văn minh đô thị đã có tiêu chí thực hiện tốt việc quản lý, xây dựng đô thị theo quy hoạch. Và như vậy, sau khi sửa thì khoản 2 Điều 26 được quy định như sau: "Danh hiệu phường, thị trấn tiêu biểu để tặng cho phường, thị trấn đạt các tiêu chuẩn sau: A là đạt chuẩn văn minh đô thị, B là dẫn đầu thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giao, C là có giải pháp nâng cao chất lượng và tỷ lệ gia đình tiêu biểu, tổ dân phố và tương đương tiêu biểu".

Ba là, về quy định thẩm quyền của cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành, tỉnh, thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các cơ quan, đơn vị khác quy định tại Điều 79. Tại khoản 2 Điều 79 quy định: "Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu chiến sĩ tiên tiến", tại khoản 5 Điều 79 quy định: "Thẩm quyền công nhận danh hiệu chiến sĩ tiên tiến trong quân đội nhân dân, công an nhân dân do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định theo quy định". Theo quy định tại khoản 2 Điều 21, danh hiệu chiến sĩ tiên tiến được xét tặng cho sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân. Vậy chiến sĩ tiên tiến do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện quyết định tặng là chiến sĩ hoạt động trong lĩnh vực nào? Đề nghị dự thảo làm rõ đối tượng này.

Bốn là, trong những năm qua, việc tặng danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở và giấy khen hằng năm cho các đối tượng là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, lãnh đạo các ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương gặp khó khăn, vướng mắc, vì luật hiện hành chưa quy định thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đối với đối tượng này. Trong dự thảo luật cũng chưa quy định nội dung này. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào Điều 79 dự thảo luật quy định: "Thẩm quyền quyết định tặng danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua cơ sở và giấy khen hằng năm cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, lãnh đạo các ban của Hội đồng dân cấp tỉnh, đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương" để đảm bảo quyền lợi cho những đối tượng này./.