ĐBQH NGUYỄN NHƯ SO: CẦN ĐIỀU CHỈNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỦA DỰ THẢO LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM (SỬA ĐỔI)

29/10/2021

Phát biểu thảo luận trực tuyến tại phiên toàn thể Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) ngày 29/10, đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, cho rằng một số quy định còn mang tính khái quát, cần phải điều chỉnh cụ thể, khúc triết hơn nữa.

 

Đại biểu Nguyễn Như So phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh bày tỏ tán thành sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi cũng như các mục đích, quan điểm chỉ đạo sửa đổi Luật như đã nêu tại tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao tính khả thi, thống nhất khi Luật được thông qua và triển khai trên thực tế, đại biểu đề nghị:

Về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Điều 5) “Khuyến khích, tạo điều kiện tổ chức triển khai các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh, xã hội, đặc biệt là chương trình phát triển nông, lâm, ngư nghiệp...”, quy định này còn mang tính chung chung, thiếu định lượng, phạm vi chính sách mới chỉ dừng lại ở khuyến khích, tạo điều kiện, mà khuyến khích như thế nào? tạo điều kiện ra sao? Dự thảo lại chưa quy định rõ. Nông nghiệp là ngành nghề có vai trò rất quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh... Do đó, nếu không có chính sách, cơ chế hỗ trợ cụ thể, đủ mạnh, chỉ bảo hiểm theo hướng kinh doanh đơn thuần thì không có doanh nghiệp nào muốn chọn bảo hiểm nông nghiệp vì nguy cơ thua lỗ rất cao.  

Theo đại biểu Nguyễn Như So, đây cũng là lý do tại sao chúng ta đã ban hành rất nhiều văn bản (như Nghị định 58; Nghị quyết 100; Nghị quyết 53...) về bảo hiểm nông nghiệp nhưng hầu như không đem lại hiệu quả. Do vậy, cần phải xem bảo hiểm nông nghiệp là bảo hiểm đặc thù và xây dựng bổ sung 1 chương riêng tại dự thảo.

Đại biểu cho rằng, cần tổng kết, đánh giá những vướng mắc trong thực hiện các chính sách bảo hiểm nông nghiệp, từ đó xây dựng những quy định cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn như: Quy định mức phí phù hợp và mức hỗ trợ đối với một số đối tượng ưu tiên tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Quy định rõ các chính sách khuyến khích trong việc tổ chức, triển khai các sản phẩm bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp cho doanh nghiệp bảo hiểm như chính sách thuế, phí; hỗ trợ chi phí đào tạo nhằm thay đổi nhận thức cho các chủ thể tham gia bảo hiểm nông nghiệp… Quy định cụ thể các đối tượng được hưởng bảo hiểm trong chương trình phát triển nông nghiệp như: bảo hiểm giống, vật nuôi; mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp; thiết kế các sản phẩm bảo hiểm, hình thức triển khai bảo hiểm phù hợp… tạo cú hích thu hút được nhiều hơn nữa các doanh nghiệp tham gia sản xuất, đầu tư vào nông nghiệp.

Về việc bổ sung 1 Chương về bảo hiểm vi mô, theo đại biểu Nguyễn Như So là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, đây là loại hình bảo hiểm mang tính xã hội rất cao hướng tới những đối tượng yếu thế, người thu nhập thấp đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo an sinh xã hội. Hơn nữa, hiện nay chúng ta chưa có Luật nào quy định vấn đề này.

Thực tế cũng cho thấy, việc thiếu hành lang pháp lý về bảo hiểm vi mô cũng là nguyên nhân khiến bảo hiểm vi mô dù có thời gian thí điểm hơn 10 năm nhưng tỷ lệ người tham gia rất thấp. Tuy nhiên, Dự thảo chỉ định khung 2 điều về bảo hiểm vi mô, điều này gây khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực tế. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung, cụ thể hóa các quy định về bảo hiểm vi mô tại dự thảo như quy định rõ khung pháp lý, tổ chức và điều kiện triển khai sản phẩm bảo hiểm; bổ sung các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên nghiệp thực hiện bảo hiểm vi mô.

Đối với quy định về bảo hiểm bắt buộc, Đại biểu cho biết, hiện nay, có rất nhiều nghề nghiệp như luật sư, công chứng, kiểm toán, định giá, chứng khoán,... pháp luật chuyên ngành đã có quy định bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không quy định cụ thể nội dung này mà giao cho Quốc hội. Vì vậy cần quy định rõ vấn đề này ngay tại dự thảo Luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động. Bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp từ chối không thực hiện Hợp đồng bảo hiểm này, gây khó khăn đối với việc hành nghề của các tổ chức nghề nghiệp.

Đại biểu cũng đề nghị, cần xem xét lại quy định hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp“tại thời điểm giao kết hợp đồng, đối tượng bảo hiểm không tồn tại” (điểm b khoản 1 Điều 22), do không phù hợp với Bộ luật Dân sự. Mặt khác, qui định này cũng không phù hợp và gây cản trở đối với việc thực hiện bảo hiểm cho những tài sản hình thành trong tương lai (ví dụ nhà ở) cũng được xem là một loại tài sản được bảo hiểm, nhưng tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo hiểm nó chưa tồn tại về mặt vật lý./.

Dương Dung