ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ YẾN NHI: CẦN CHÚ Ý ĐẾN QUY ĐỊNH VỀ LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM BẢO HIỂM

29/10/2021

Góp ý vào phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sáng ngày 29.10.2021, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng, cần chú ý đến quy định điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này sao cho vừa đảm bảo khả thi, vừa đảm bảo được quyền lợi của người mua bảo hiểm.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre tham gia phát biểu

Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi đồng tình về việc cần thiết phải sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm tạo một hành lang pháp lý cho hoạt động này thuận lợi hơn; đồng thời đảm bảo tính nhân văn của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc chia sẻ rủi ro, đảm bảo hơn quyền lợi của các bên tham gia, mà nhất là người mua bảo hiểm. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo trong việc trình Quốc hội xem xét cho ý kiến đối với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Để góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu góp ý một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, tại khoản 1, Điều 114 có quy định “Bảo hiểm vi mô là loại hình bảo hiểm dành cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản trước những rủi ro có thể xảy ra”. Đại biểu đề nghị chuyển quy định này vào nội dung giải thích từ ngữ tại Điều 4.

Thứ hai, về nội dung hợp đồng bảo hiểm: tại khoản 1, Điều 14 dự thảo Luật quy định “Hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung sau đây: a, b, c, d,....”. Và tại khoản 2 có nêu “Ngoài những nội dung quy định khoản 1 Điều này, hợp đồng  bảo hiểm có thể có các nội dung khác do các bên thỏa thuận.”, đại biểu đề nghị điều chỉnh khoản 2, Điều 14 lại như sau “Ngoài những nội dung quy định tại Khoản 1 Điều này, hợp đồng có thể có các nội dung khác do các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật”

Thứ ba, về quy định điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm: tại khoản 2 Điều 16 dự thảo Luật quy định “Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có bằng chứngxác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Đại biểu thấy rằng quy định này là không khả thi, bởi lẽ việc giải thích của doanh nghiệp bảo hiểm đối với bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng thì rất khó để cung cấp được bằng chứng. Và bằng chứng xác nhận này được hiểu như thế nào thì cũng chưa có quy định rõ. Ví dụ như có bản ghi âm, ghi hình hay văn bản xác nhận có chữ ký của các bên. Và quy định này dẫn đến khi xảy ra tranh chấp sẽ gây khó khăn cho Tòa án và các bên khi phải xác định thế nào là bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định này sao cho vừa đảm bảo khả thi, vừa đảm bảo được quyền lợi của người mua bảo hiểm.

Thứ tư, về hình thức bồi thường: tại Điều 51 quy định về hình thức bồi thường, theo đó bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận hình thức bồi thường. Tuy nhiên, thực tế trong giai đoạn giải quyết bồi thường, thì người được bảo hiểm mới là người làm việc trực tiếp với Doanh nghiệp bảo hiểm vì là người có tài sản hoặc các lợi ích kinh tế khác được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm. Do vậy, đại biểu đề xuất điều chỉnh quy định về hình thức bồi thường sẽ được thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người được bảo hiểm.

Thứ năm, về cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm: Tại khoản 2, Điều 83 Dự thảo Luật quy định “Cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Ban kiểm soát“. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 54 và 79 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 chỉ quy định bắt buộc thành lập Ban Kiểm soát đối với Công ty TNHH là doanh nghiệp nhà nước, còn trường hợp khác do công ty quyết định. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo sự thống nhất với các quy định khác trong hệ thống pháp luật.

Thứ sáu, về điều khoản chuyển tiếp:tại Khoản 4, Điều 155 của Dự thảo Luật quy địnhChứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025”. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định này, vì nếu theo quy định này thì sau ngày 31 tháng 12 năm 2025 sẽ phải tổ chức cấp lại chứng chỉ bảo hiểm cho toàn bộ các đại lý. Việc làm này sẽ gây mất thời gian, tốn kém chi phí cho cả đại lý và doanh nghiệp bảo hiểm./.   

Hoàng Nhân