Đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc phát biểu thảo luận từ điểm cầu trực tuyến tỉnh Lạng Sơn
Phát biểu thảo luận, đại biểu Lưu Bá Mạc tán thành với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cũng như báo cáo tổng hợp ý kiến và báo cáo tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu thảo luận tại tổ. Trên cơ sở 8 nhóm vấn đề mà Ủy ban Xã hội đề nghị các vị đại biểu tập trung thảo luận, đồng thời cũng từ thực tiễn địa phương, đại biểu Lưu Bá Mạc tham gia thêm 3 ý kiến đối với vấn đề thứ ba. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, riêng đối với nội dung về sáng kiến đề tài khoa học, đề án khoa học và công trình khoa học được quy định tại khoản 2 Điều 19 dự thảo luật về tiêu chí để xét tặng chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban ngành tỉnh, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu theo hướng là không cần quy định thêm tiêu chí về hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng. Đồng thời, đề nghị sửa cách trình bày ở trong khoản 2 Điều 19 này theo hướng gọn hơn, đầy đủ súc tích và đề nghị sửa như sau: "Có sáng kiến đã được người đứng đầu bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học đã được nghiệm thu và được người đứng đầu bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận kết quả để từ đó đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất đối với các quy định hiện hành về công tác sáng kiến cũng như công tác quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ hiện hành. Lý do cụ thể như sau:
Từ thực tế địa phương thấy rằng, hiện nay việc công nhận sáng kiến được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 13/2012 của Chính phủ quy định về điều lệ sáng kiến; Thông tư số 18/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ; Thông tư số 03/2019 của Bộ Tài chính. Trên cơ sở những quy định này và việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ thì Hội đồng nhân dân tỉnh cụ thể hóa, ban hành nghị quyết quy định về nội dung và mức chi thực hiện hoạt động sáng kiến, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cụ thể hóa và ban hành quy định về hoạt động sáng kiến ở trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các quy định về việc thành lập các hội đồng sáng kiến để xem xét, đánh giá và công nhận sáng kiến đã rất rõ ràng, khách quan, khoa học, chặt chẽ và đang có tính ổn định cao. Trong đó, đối với sáng kiến đã có tiêu chí là tính mới, đã được áp dụng hoặc áp dụng thử và mang lại lợi ích thiết thực. Tương tự như vậy, quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ, trong đó bao gồm đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học cũng đã được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở các quy định này Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa và ban hành những quy định về quản lý các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tiêu chí để nghiệm thu đối với nhiệm vụ khoa học, công nghệ là tác động của kết quả đối với kinh tế - xã hội, khả năng chuyển giao, áp dụng kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ. Đến nay những quy định này đã được cụ thể hóa, triển khai ở địa phương, đang có tính ổn định cao. Do vậy, khi đưa thêm quy định về tiêu chí, hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng vào dự thảo luật lần này thì khi triển khai trong thực tế có thể không thực sự hiệu quả, có có thể mang tính hình thức và có thể dẫn tới 2 bất cập cơ bản sau đây:
Bất cập thứ nhất là dẫn tới cách hiểu khác nhau và một trong số đó chính là sau khi sáng kiến, đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học đã được nghiệm thu rồi, đã được người đứng đầu bộ, ban ngành tỉnh xem xét, công nhận rồi lại phải thành lập thêm một hội đồng nữa để tiếp tục xem xét về tính hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng. Như vậy là không thực sự hiệu quả và lãng phí về nguồn lực, cả về thời gian, tài chính và con người.
Bất cập thứ hai là chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, rõ ràng nội hàm để áp dụng đối với tiêu chí là hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng để triển khai trong thực tế hiệu quả.
Một bất cập nữa là trong Điều 30 của dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật này đã có quy định về sử dụng thành tích để thay thế sáng kiến. Ví dụ như áp dụng xét tặng danh hiệu như như Nhà giáo ưu tú và tương tự như vậy thì đề nghị áp dụng sửa đổi như trên đối với khoản 2 Điều 18 đối với tiêu chí xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp toàn quốc cũng áp dụng những sửa đổi và những quy định như trên là đầy đủ, tạo sự thống nhất và tránh cách hiểu khác nhau.
Vấn đề thứ hai, tại khoản 9 Điều 101 dự thảo nghị định kèm theo hồ sơ thì cũng đề nghị thay đổi cụm từ "ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả" bằng cụm từ là "theo quy định hiện hành" và sửa đổi nội dung thành như sau: “Hội đồng sáng kiến, Hội đồng khoa học các cấp có nhiệm vụ giúp người đứng đầu xem xét, đánh giá, đề nghị người đứng đầu công nhận sáng kiến, đề tài nghiên cứu, đề án khoa học, công trình khoa học theo quy định hiện hành” là đầy đủ và súc tích và tránh những cách hiểu khác nhau.
Vấn đề thứ ba, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định về số tác giả chính hoặc là số lượng đồng tác giả khi sử dụng sáng kiến hoặc đề tài, đề án, công trình khoa học để làm tiêu chí xét tặng các danh hiệu thi đua, từ đó có thể tránh được việc lợi dụng có tên ở trong đồng tác giả đối với sáng kiến, đề tài hoặc là công trình để mục đích làm tiêu chí xét danh hiệu thi đua./.