Đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa phát biểu thảo luận từ điểm cầu trực tuyến Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ
Qua nghiên cứu dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội và các văn bản có liên quan, đại biểu Đào Chí Nghĩa tán thành sự cần thiết phải sửa đổi luật lần này và đánh giá cao việc dự thảo luật đã bổ sung và mở rộng các đối tượng được khen thưởng, như người lao động trực tiếp tham gia sản xuất, các doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, kể cả các cá nhân, tập thể nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Việc mở rộng lần này sẽ huy động rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân tham gia tích cực vào phong trào thi đua yêu nước.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa đóng góp một số nội dung trong Dự án Luật như sau:
Thứ nhất, về thủ tục bình xét công tác thi đua, khen thưởng định kỳ và đột xuất, đề nghị Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) lần này cần quan tâm khắc phục sự bất cập của luật hiện hành về việc quy định xét thi đua tính theo tỷ lệ. Tuy nhiên, không có sự phân cấp, phân ngành, lĩnh vực rõ ràng trong tổ chức, đăng ký tham gia và bình xét thi đua, khen thưởng, nên việc tổ chức đánh giá, bình xét còn nể nang, còn phân định cấp trên với cấp dưới, nên hiệu quả tích cực trong phát động phong trào thi đua đôi lúc vẫn còn mang tính hình thức. Đối với quy định cần có thời gian liên tục trong công tác bình xét thi đua, đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét thay thế bằng quy định có đủ số năm đạt thành tích trong khoảng thời gian xét khen thưởng phù hợp, tránh việc nể nang, nhường thành tích, kết quả cho nhau để đảm bảo có thời gian liên tục.
Bên cạnh đó, luật sửa đổi lần này cần quan tâm, khắc phục tối đa sự rườm rà trong thủ tục xét khen thưởng, nhất là đối với trường hợp xét khen thưởng đột xuất. Cần quy định trách nhiệm thực hiện thủ tục chủ yếu do cơ quan, đơn vị phụ trách công tác thi đua, khen thưởng hoặc tổ chức phát hiện các nhân tố tích cực cần khen thưởng nhằm đảm bảo ý nghĩa thật sự trong công tác khen thưởng đột xuất để kịp thời biểu dương, lan tỏa phong trào, tránh gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức và cá nhân được đề nghị.
Thứ hai, về hình thức, cách thức, nội dung tổ chức thi đua, khen thưởng, đề nghị cơ quan soạn thảo cần chú ý xây dựng các quy định về hình thức, cách thức, nội dung tổ chức thi đua, khen thưởng trong lĩnh vực nhà nước phù hợp và tương đồng với công tác thi đua, khen thưởng trong cơ quan Đảng nhằm thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác bình xét thi đua, khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, luật sửa đổi lần này cần bổ sung quy định về công tác thi đua, khen thưởng trong hệ thống các cơ quan dân cử.
Đối với các nội dung và quy định cụ thể trong dự án luật, đại biểu Đào Chí Nghĩa kiến nghị:
Thứ nhất, về mục tiêu thi đua, khen thưởng tại khoản 2 Điều 5, đề nghị bổ sung cụm từ học tập và nghiên cứu khoa học sau cụm từ sản xuất và kinh doanh để quy định mang tính bao quát, đảm bảo tính thống nhất với khoản 3 Điều 75 của dự thảo luật.
Thứ hai, về danh hiệu xã tiêu biểu, phường thị trấn tiêu biểu Điều 26, danh hiệu thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu Điều 27, đề nghị cần quy định giới hạn tỷ lệ số lượng xã, phường, thị trấn, thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố trong cùng một đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được xét tặng danh hiệu tiêu biểu nhằm bảo đảm tính thống nhất trong việc áp dụng, tránh mỗi địa phương thực hiện theo cách thức khác nhau. Có nơi sẽ xét nhiều, có nơi sẽ ít. Mặt khác việc quy định tỷ lệ sẽ xác lập mục tiêu phấn đấu, cạnh tranh lành mạnh trong cùng một đơn vị hành chính.
Thứ ba về danh hiệu gia đình tiêu biểu Điều 28 tại điểm b khoản 1, đề nghị bỏ tiêu chí gia đình hạnh phúc vì tiêu chí này còn chung chung, rất khó để xác định dẫn đến thiếu tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Thứ tư, đối với Điều 55 về Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, đại biểu thống nhất cần bổ sung nội dung khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang cho lực lượng thanh niên xung phong để ghi nhận sự đóng góp của các thế hệ thanh niên xung phong trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Tại khoản 1 Điều 55, đề nghị đối với trường hợp hy sinh đã được công nhận là liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong bị nhiễm chất độc hóa học, phân loại nặng trở lên, không nên quy định phải có thời gian tại ngũ 1 năm. Nội dung điều chỉnh này sẽ phù hợp thể hiện tính nhân văn và ghi nhận các chủ thể trong dự thảo luật.
Thứ năm, tại khoản 6 Điều 39, khoản 6 Điều 40, khoản 6 Điều 41 và khoản 7 Điều 72, đề nghị bổ sung cụm từ: "chấp hành tốt chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước" trước cụm từ "được bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận đề nghị" để nội dung quy định được đầy đủ hơn, đảm bảo sự bình đẳng trong việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tránh việc chưa xem xét kỹ lưỡng và toàn diện đã triển khai thực hiện công tác khen thưởng dẫn đến việc phải thu hồi khi phát hiện vi phạm pháp luật gây phản cảm, tạo dư luận không tốt trong công tác thi đua, khen thưởng.
Thứ sáu, về xử lý vi phạm đối với công tác thi đua, khen thưởng, Điều 93. Tại khoản 3 Điều 93, việc khen tặng theo quy định tại khoản này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cá nhân người được công nhận và đối với cộng đồng xã hội. Do đó theo đại biểu, chỉ cần đối tượng được công nhận vi phạm pháp luật, bị Tòa án tuyên có tội theo bản án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định hủy bỏ hoặc thu hồi hình thức khen thưởng, không cần quy định phạm tội theo mức độ như trong dự thảo luật. Điều này sẽ mang tính răn đe, phòng ngừa để đảm bảo ý nghĩa thật sự cho việc phong tặng cũng như tránh dư luận xấu trong cộng đồng xã hội đối với cơ quan, người có thẩm quyền đã đề nghị và cá nhân đã được xét tặng. Như vậy, khoản 3 sẽ được viết lại như sau: "Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự Nhà nước mà có hành vi vi phạm pháp luật, bị Tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì bị tước danh hiệu vinh dự Nhà nước"./.