ĐBQH LÂM VĂN ĐOAN: CẦN KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CÁC SẢN PHẨM BẢO HIỂM VI MÔ

29/10/2021

Sáng ngày 29/10, tham gia phát biểu về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Lâm Văn Đoan kỳ vọng, việc sửa đổi luật lần này sẽ tạo cú hích cho thị trường thương mại bảo hiểm của nước ta trong thời gian tới. Đại biểu cũng cho ý kiến liên quan đến việc phát triển bảo hiểm vi mô.

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Lâm Văn Đoan phát biểu ý kiến liên quan đến bảo hiểm vi mô

Đại biểu Lâm Văn Đoan cho rằng, Luât kinh doanh bảo hiểm hiện hành không có quy định về bảo hiểm vi mô, chỉ có quy định áp dụng chung cho các sản phẩm bảo hiểm thông thường. Do đó, đại biểu nhất trí với sự cần thiết của những quy định trong dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) liên quan đến vấn đề bảo hiểm vi mô. Việc tham gia bảo hiểm vi mô hiện cũng đang khó khăn, so với lợi nhuận từ việc kinh doanh bảo hiểm thương mại thì tỷ lệ lợi nhuận bảo hiểm vi mô mang lại rất nhỏ, chiếm tỷ lệ thấp. Theo đại biểu, bảo hiểm vi mô chưa phát triển do mức chi phí cao, hiệu quả thấp và việc kinh doanh bảo hiểm của các tổ chức chính trị - xã hội tuy góp phần mang lại thu nhập cho các hội viên, nhưng vẫn mang tính chất tạm thời và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không có các quy định pháp lý tương ứng. Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển bảo hiểm vi mô trong khi mục đích an sinh xã hội là rất lớn. Khách hàng chủ yếu là người có thu nhập thấp, người nghèo, người cận nghèo, người ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia. Đại biểu cho biết, năm 2021, số người tham gia Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam chiếm khoảng 32,8% lực lượng lao động, còn lại khoảng 67% lực lượng lao động trong độ tuổi chưa tham gia bảo hiểm, ước khoảng 35 triệu người. Đây là thị trường tiềm năng cho bảo hiểm vi mô phát triển.

Theo đại biểu, từ kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cũng cho thấy, việc phát triển bảo hiểm vi mô nói riêng và tài chính toàn diện nói chung là giải pháp cải thiện đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp... Do đó, hầu hết các nước đang phát triển ở các khu vực châu Á, Mỹ Latinh đều triển khai các loại hình bảo hiểm vi mô với tỷ lệ nhất định dân số tham gia, nhiều nước có tỷ lệ tham gia từ 10%-15%.

Đại biểu Lâm Văn Đoan cũng cho rằng, nhóm quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật còn mỏng, chỉ gồm 1 chương gồm 2 điều, chỉ có các quy định khung và chưa có tính khả thi cao. Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị, trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần quan tâm đến:

Thứ nhất, việc phát triển tổ chức, chương trình, dự án bảo hiểm vi mô hoạt động an toàn, bền vững, hiệu quả; hướng tới mục tiêu người nghèo, người cận nghèo, người có thu nhập thấp... phù hợp với mục tiêu, chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Thứ hai, đối với các quy định khả thi, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tham vấn, lấy ý kiến, đối thoại trực tiếp với các công ty bảo hiểm, các tổ chức bảo hiểm nước ngoài, các tổ chức bảo hiểm Việt Nam và tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội có nhu cầu tham gia kinh doanh bảo hiểm vi mô để tìm hiểu, phân tích nhu cầu, các khó khăn, rào cản trong việc thực hiện các sản phẩm bảo hiểm vi mô để từ đó xây dựng một khung pháp lý phù hợp, sát với thực tiễn. Nếu không xác định được tính đặc thù của sản phẩm này so với các sản phẩm thương mại thông thường thì các quy định rất khó khả thi.

Thứ ba, nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô cho người nghèo, người có thu nhập thấp, trong đó có chính sách khuyến khích hợp tác các doanh nghiệp, các tổ chức bảo hiểm vi mô và các tổ chức công nghệ tài chính nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục, dịch vụ, tạo thuận lợi với chi phí thấp cho người nghèo, người dân ở khu vực nông thôn, nông dân. Theo kinh nghiệm quốc tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đóng, hưởng bảo hiểm vi mô sẽ góp phần tạo sự nhanh gọn, đúng đối tượng, bằng nhiều kênh khác nhau. Trong đó ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần giảm chi phí và tăng hiệu quả tiếp cận của người dân.

Thứ tư, tạo điều kiện khuyến khích cho các tổ chức chính trị, xã hội; chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội; mạng lưới bưu chính công cộng; bưu điện,… tích cực tham gia hỗ trợ hoạt động tài chính vi mô phát triển, trong đó có bảo hiểm vi mô./.

Kim Liên