ĐẠI BIỂU TRẦN CHÍ CƯỜNG: CẦN ĐẢM BẢO CÂN BẰNG LỢI ÍCH GIỮA BÊN BÁN VÀ BÊN MUA BẢO HIỂM

29/10/2021

Tham gia thảo luận trực tuyến về Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi sáng 29/10, đại biểu Trần Chí Cường, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng đề nghị cần quy định trong Dự thảo Luật đảm bảo cân bằng lợi ích giữa bên bán và bên mua; phải bình đẳng, minh bạch, công khai; quy định chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm.

 

Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu thảo luận tại phiên họp sáng 29/10

Đại biểu Trần Chí Cường, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng thống nhất cao về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm như trình bày tại Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi ) và các tài liệu liên quan, đại biểu tham gia góp ý vào 03 nội dung, cụ thể sau:

Thứ nhất, Điều 7 quy định Về nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm, nội dung điều luật đưa ra yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm trong việc lựa chọn tổ chức bảo hiểm và việc tự bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, Dự thảo chưa đề ra các nguyên tắc khác liên quan đến sự ràng buột, kết nối giữa tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm; đặc biệt là vấn đề về thanh toán bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. Do đó, đại biểu Cường đề nghị xem xét bổ sung thêm nội dung có liên quan trong nguyên tắc cơ bản như bảo đảm nguyên tắc chi trả minh bạch, rõ ràng, đầy đủ theo cam kết.

Thứ hai, Điều 18 quy định Về quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, Dự thảo Luật đặt vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia (đặc biệt là bên bán và bên mua) nhưng mới chỉ quan tâm quyền lợi của bên bán. Hợp đồng bảo hiểm mới nặng về bảo vệ lợi ích và rủi ro cho bên cung cấp bảo hiểm, cho doanh nghiệp bảo hiểm nhưng người thụ hưởng, người mua bảo hiểm thì chưa được chú trọng đúng mức. Trong thực tế, ở một số loại hình bảo hiểm, tình trạng người mua chỉ được cung cấp hợp đồng in sẵn mà nội dung hầu như có lợi cho bên bán bảo hiểm để thực hiện việc ký và mua bảo hiểm. Do đó, cần quy định trong dự thảo Luật đảm bảo cân bằng lợi ích giữa bên bán và bên mua; phải bình đẳng, minh bạch, công khai; quy định chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm.

Ví dụ tại Điều 16 dự thảo Luật nêu điều khoản loại trừ trách nhiệm của người bán nhưng không nêu điều khoản loại trừ trách nhiệm của người mua. Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung nội dung này để bảo vệ được quyền lợi của người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và người thụ hưởng.

Mặc khác, thực tế hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đang triển khai hoạt động bảo hiểm và tùy theo từng ngân hàng sẽ tổ chức triển khai kinh doanh theo các hình thức khác nhau, làm đại lý cho công ty bảo hiểm khác hoặc đang triển khai qua công ty bảo hiểm của Hội sở chính ngân hàng. Tại nhiều chi nhánh tổ chức tín dụng làm đại lý bảo hiểm xảy ra trường hợp khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ hủy bỏ hợp đồng ngay ở năm đầu tiên mà không tiếp tục ở các năm tiếp theo. Về phía khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ cũng phản ánh thực tế việc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng là mang tính chất đối phó, bị ràng buộc để đảm bảo thuận lợi trong giao dịch với ngân hàng về một sản phẩm dịch vụ có liên quan. Do đó, để kênh phân phối này vừa mang lại hiệu quả cao, vừa an toàn và không ảnh hưởng tới quyền lợi người mua bảo hiểm, đại biểu Trần Chí Cường đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm của các đại lý là ngân hàng thương mại.

Thứ ba, Việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới là việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm ở nước ngoài không cần thành lập pháp nhân tại Việt Nam nhưng vẫn được cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam. Theo đó, đại biểu đề nghị nên bổ sung các khái niệm có liên quan, như: bảo hiểm qua biên giới, môi giới bảo hiểm qua biên giới, bán bảo hiểm qua biên giới,... Việc nêu rõ khái niệm này sẽ giúp việc hiểu, thực hiện luật đồng bộ, thuận lợi hơn; đồng thời sẽ giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong các trường hợp có liên quan.

Bên cạnh đó, việc kinh doanh bảo hiểm qua biên giới và tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường bảo hiểm Việt Nam là xu thế tất yếu, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều rủi ro, yếu tố phức tạp (như đầu tư chui, rửa tiền, trốn thuế…). Do đó, đại biểu đề nghị cần xây dựng các quy định chặt chẽ, nhất là việc chuyển ngoại tệ từ trong nước ra nước ngoài thanh toán phí bảo hiểm, tiền từ nước ngoài vào Việt Nam để thanh toán bồi thường tổn thất; điều kiện để hoạt động các dịch vụ bảo hiểm qua biên giới... nhằm đảm bảo quyền lợi của tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm tại Việt Nam, cũng như đảm bảo năng lực, tính minh bạch của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư vào thị trường bảo hiểm Việt Nam./.

Hoàng Yến