ĐẠI BIỂU NGÔ HOÀNG NGÂN: SỬ DỤNG ĐẤT LÀ TÀI NGUYÊN ĐẶC BIỆT

30/10/2021

Tham gia góp ý Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Ngô Hoàng Ngân đóng góp nhiều nội dung quan trọng.

 

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Ngô Hoàng Ngân phát biểu tại phiên thảo luận chiều 29/10

Đại biểu Ngô Hoàng Ngân cho rằng các báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị công phu, đầy đủ, nhất là nội dung đánh giá về giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở đó đánh giá được các hạn chế, yếu kém, nguyên nhân khách quan và chủ quan, rút ra các bài học cho các giải pháp thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

Về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của Quốc gia, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đúng hướng, bài bản, đạt kết quả tích cực, quan trọng. Cụ thể: hoàn thành và vượt kế hoạch 17/22 mục tiêu đặt ra, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, tái cơ cấu kinh tế chuyển động tích cực, năng suất lao động được cải thiện rõ nét.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế, yếu kém:

Đối với việc không hoàn thành 5/22 chỉ tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như: cơ cấu đầu tư công, đào tạo lao động…Đại biểu Ngô Hoàng Ngân đề nghị cần đánh giá lại các nguyên nhân chủ quan, khách quan liên quan đến thể chế, quy định và việc thực hiện như: việc sắp xếp lại, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước còn chậm do một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được giải quyết, nhất là thể chế đánh giá đất đai, tài sản…

Bên cạnh đó, cần đánh giá bối cảnh trong nước, tình hình tế giới, dự báo tác động của tình hình đại dịch COVID-19; xu thế giá các nguyên liệu như: xăng dầu, than, kim loại trong năm kế tiếp.

Liên quan đến các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tham gia góp ý vào nội dung tăng năng suất lao động của 5 thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn năng suất lao động bình quân cả nước. Theo đại biểu, cần phải có số liệu cụ thể là tăng thêm bao nhiêu để các địa phương xây dựng kế hoạch, lãnh đạo chỉ đạo hàng năm, góp phần thực hiên tốc độ tăng trưởng năng suất bình quân cả nước trong giai đoạn trên đạt 6,5%/ năm.

Về Dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) của Quốc gia, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Hoàng Ngân thống nhất quan điểm sử dụng đất là tài nguyên đặc biệt.

Đại biểu chỉ rõ, theo Điều 6 của Luật Quy hoạch, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhưng hiện nay Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt.

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia được xác định căn cứ vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước, kế hoạch, nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương. Hiện nay các địa phương chưa lập xong quy hoạch của địa phương, quy hoạch của một số ngành chưa rõ. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần cập nhật đầy đủ nhu cầu của các ngành, địa phương, để tránh việc không thống nhất về nhu cầu sử dụng đất của các địa phương, việc dự báo sử dụng đất chưa sát với nhu cầu làm cho việc phân bổ chỉ tiêu ảnh hưởng đến việc phát triển tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng trong phát triển kinh tế. Lý giải về điều này, đại biểu Ngô Hoàng Ngân cho biết giai đoạn 2016-2020, có những địa phương quy hoạch sử dụng đất không sử dụng hết, trong khi có địa phương sử dụng hết nhưng không được điều hòa, điều chỉnh nên địa phương có nhu cầu phát triển nhưng không còn kế hoạch sử dụng đất.

Bên cạnh đó, trong mục tiêu, kế hoạch sử dụng đất vẫn đặt ra việc lấn biển trong giai đoạn tới, vì vậy cần nghiên cứu kỹ, nhất là đánh giá ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu do lấn biển. Theo Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh “chỉ nên cho phép lấn biển với công trình quốc phòng và phát triển kinh tế đặc biệt”.

Ngoài ra, trong quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đường triều kiệt (ngày 6/6/2018) và bản đồ đường triều kiệt cho thấy: việc lấn biển giai đoạn trước 2018 chưa được cập nhật đầy đủ. Do đó, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần khảo sát, cập nhật, đánh giá để báo cáo Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề xuất có thể xem xét lấy năm 2021 làm năm cuối cùng để cập nhật, điều chỉnh đường triều kiệt cho phù hợp, góp phần để các địa phương phát triển và thực hiện đúng quy định pháp luật về phát triển vùng ven biển./.