ĐẠI BIỂU ĐINH NGỌC QÚY: CẦN CƠ CẤU LẠI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

30/10/2021

Tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sáng 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Đại biểu Đinh Ngọc Quý, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai tham gia phát biểu về vấn đề phát triển thị trường lao động trong kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế.

 

Đại biểu Đinh Ngọc Quý, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai tham gia phát biểu về vấn đề phát triển thị trường lao động trong kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế

Đại biểu Đinh Ngọc Quý đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, toàn diện trên nhiều mặt, nhìn nhận thẳng thắn những thành quả, hạn chế, yếu kém, thách thức và có nhiều thông tin chi tiết. Có so sánh quốc tế, có so sánh đánh giá với nhận định của các tổ chức quốc tế lớn để thấy được chúng ta đang ở đâu trong từng lĩnh vực, từng thị trường của nền kinh tế.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý cho rằng, chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa đến thị trường lao động, chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng nghề của người lao động để không chỉ đồng hành mà chủ động hơn với các thị trường khác thì kế hoạch cơ cấu mới đạt được hiệu quả và thực chất.

Theo đại biểu Đinh Ngọc Quý, về quản trị thị trường lao động, qua đại dịch vừa qua, chúng ta cần đưa ra những vấn đề gì, rút kinh nghiệm những vấn đề gì để bổ sung vào kế hoạch, nhằm định hướng thị trường lao động chủ động hơn, ứng phó với những tác động khác của thị trường trong tương lai chứ không phải chỉ là dịch bệnh. Muốn làm được điều này, đại biểu Đinh Ngọc Quý cho rằng phương pháp tiếp cận của phía cơ quan quản lý nhà nước phải có sự điều chỉnh so với trước đây.

“Và như vậy, phải có một cơ sở dữ liệu tốt hơn và quan điểm của tôi cho rằng, việc kết nối liên thông thị trường lao động phải được điều chỉnh về mặt thời điểm thực hiện so với Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động thì mới hỗ trợ được cho công tác này. Theo quy định này, đến năm 2026 chúng ta mới kết nối liên thông được cơ sở dữ liệu và nếu không làm được điều này sớm, tôi cho rằng, chúng ta sẽ đi chậm hơn so với thị trường”, đại biểu Đinh Ngọc Quý nêu ý kiến.

Cũng theo đại biểu Đinh Ngọc Quý, vấn đề phát triển thị trường lao động, cơ cấu lại thị trường lao động cần phải được chú ý hơn, không chỉ phải trên những chỉ số, mục tiêu khái quát mà còn phải thay đổi về chất thực sự để khắc phục được những hạn chế hiện nay của thị trường lao động.

Đại biểu đánh giá, hiệu suất về sử dụng lao động giai đoạn vừa qua có cải thiện nhưng không nhiều, năng suất lao động có tốc độ tăng đạt kế hoạch nhưng giá trị tuyệt đối không cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2021 hiện nay chúng ta đạt khoảng 67% nhưng tỷ lệ đào tạo sơ cấp chiếm tỷ trọng cao. Tỷ lệ đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới chỉ ở mức 26,1% tính đến thời điểm này. Tuy nhiên, nếu trừ đi trình độ đại học ra thì các trình độ khác như sơ cấp, cao đẳng, trung cấp đều ở mức dưới 5%. Và tỷ lệ lao động phi chính thức còn cao, đây là khu vực được đánh giá yếu nhất về kỹ năng nghề.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý chỉ ra, trong báo cáo về quỹ bảo hiểm xã hội thì mức tăng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội còn thấp, tích lũy của người lao động cũng không nhiều và bên cạnh đó chúng ta cũng thấy chúng ta có trên khoảng 800 nghìn doanh nghiệp thế nhưng chỉ khoảng trên 300 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý cho rằng, cần nhận thức rõ và coi kinh tế số là một trong những động lực tăng trưởng trong thập kỷ tới nhưng kỹ năng số trong lao động hiện tại của chúng ta đang xếp ở cuối bảng ở khu vực. Các chuyên gia quốc tế đã đánh giá, nhận định nền kinh tế Việt Nam có hưởng lợi từ quá trình số hóa nhanh chóng đến mức độ nào là phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của thị trường lao động.

Chính vì vậy, đại biểu Đinh Ngọc Quý đề nghị Chính phủ và các bộ ngành cần quan tâm đầu tư hơn, chú trọng hơn đến các biện pháp cụ thể để thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, phản ánh được cơ cấu lại thị trường lao động về chất lượng, tận dụng những năm còn lại của cơ hội dân số vàng chỉ đến với mỗi quốc gia chỉ có một lần và chúng ta chỉ còn lại khoảng 20 năm cho dư lợi dân số này. Đồng thời, tận dụng được lợi thế của vốn nhân lực hiện đang ở mức khoảng 0,68 đến 0,69 cao hơn mức trung bình của thế giới cũng như trong khu vực không chỉ để khắc phục những hạn chế hiện nay mà còn bù đắp cho lực lượng lao động sụt giảm và già hóa dân số tăng nhanh./.

Văn Lệ - Nguyễn Hiệp