ĐBQH TRẦN ĐÌNH VĂN: VIỆC QUY HOẠCH ĐẤT QUỐC GIA PHẢI PHÙ HỢP VỚI LUẬT ĐẤT ĐAI

30/10/2021

Chiều nay 30/10, tham gia thảo luận trực tuyến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn đề nghị xem xét mối quan hệ giữa Quy hoạch sử dụng đất quốc gia với Luật Đất đai.

 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Trần Đình Văn phát biểu thảo luận

Đánh giá cao về kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020, đại biểu Trần Đình Văn cho rằng, nguồn thu từ đất đai đã đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước; phân bổ nguồn lực đất đai bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng độ che phủ của rừng từ 39,1% năm 2010 lên 42,01% năm 2020... Tuy nhiên, bên cạnh đó, có 07 chỉ tiêu quan trọng chưa đạt theo yêu cầu, nhất là đất bãi thải, xử lý chất thải đạt gần 37,3% theo kế hoạch làm ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống và an toàn xã hội mà dư luận phản ánh nhiều; báo cáo cũng chưa đánh giá những tồn tại và nguyên nhân của tồn tại trong thực hiện, để có giải pháp khắc phục. Đại biểu đề nghị, báo cáo bổ sung việc thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, chưa hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Đồng thời, bổ sung theo quy định về kết quả thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020; kết quả thực hiện đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng và nội dụng đánh giá mức độ phù hợp của kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện thời kỳ qua, đó là cơ sở đánh giá nguồn lực hiện có và xác định chỉ tiêu quy hoạch mới thời kỳ 2021 - 2030.

Về phương án Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm (2021 - 2025), đại biểu cơ bản thống nhất về quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc và phương án quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030. Đồng thời góp ý bổ sung một số nội dung:

- Về chỉ tiêu đất rừng phòng hộ: theo quy hoạch tại 2 vùng kinh tế - xã hội có diện tích đất rừng phòng hộ giảm so với năm 2020 với quy mô là 30,4 nghìn ha đối với khu vực vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, 5,54 nghìn ha khu vực vùng Đông Nam Bộ, đây là 2 khu vực có địa hình phức tạp, địa chất thiếu ổn định theo từng khu vực và cũng là nơi chịu nhiều ảnh hưởng của mưa bão hằng năm, dẫn đến thiên tai và lũ lụt thường xuyên, việc quy hoạch giảm diện tích đất rừng phòng hộ đối với 2 khu vực trên để phát triển kinh tế tại địa phương là chưa hợp lý, đề nghị bổ sung đánh giá hiện trạng, các tác động có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu của mưa, bão tại từng vị trí cụ thể theo đề xuất chuyển đổi, để có cơ sở khoa học và chặt chẽ.

- Về chỉ tiêu rừng sản xuất, theo hồ sơ quy hoạch diện tích đất rừng sản xuất đến năm 2030 đã có sự điều tiết vị trí tăng và giảm giữa các vùng kinh tế khác nhau, cụ thể diện tích đất rừng sản xuất tại vùng Tây nguyên tăng 217,82 nghìn ha và đổi ngược lại các vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung giảm 175,76 nghìn ha, Đông Nam Bộ giảm 34,84 nghìn ha và Đồng bằng sông Hồng giảm 29,34 nghìn ha diện tích đất rừng sản xuất, việc chuyển đổi chức năng sử dụng đất giữa các vùng quy hoạch trong khi ranh địa giới hành chính không thay đổi trong thời kỳ này có thể làm gia tăng biến đổi khí hậu, nhất là hiệu ứng nhà kính đối với các Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng, đồng thời cũng có thể phá vỡ kết cấu kinh tế - xã hội tại vùng Tây Nguyên là chưa hợp lý. Do đó, đề nghị bổ sung hướng giải quyết bất cập trên, để tạo điều kiện thuận lợi ổn định đời sống xã hội và phát triển kinh tế bền vững của cộng đồng trong nội vùng và mối tương quan giữa các vùng kinh tế khác.

Về mối quan hệ giữa Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) với Luật Đất đai cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng. Chính phủ trình Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 là quy hoạch cực kỳ quan trọng theo quy định của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, công tác sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013 lại vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện (dự kiến đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022). Đại biểu đề nghị Quốc hội hết sức cân nhắc vấn đề này, để làm sao khi Luật Đất đai mới có hiệu lực không làm đảo lộn Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; giảm quy hoạch treo; giảm điều chỉnh quy hoạch; giảm khiếu kiện đất đai; giảm bức xúc của nhân dân về việc sử dụng đất không hiệu quả, lãng phí đất đai, tài nguyên, nguồn lực cực kỳ quan trọng của quốc gia./.

Kim Liên - Đức Hưng