ĐBQH NGUYỄN TẠO: HOÀN THIỆN ĐỒNG BỘ THỂ CHẾ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

30/10/2021

Sáng ngày 30/10, tham gia phát biểu trực tuyến về Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh về vấn đề hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật để phát triển bền vững.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tham gia ý kiến trong phiên thảo luận sáng 30/10

Qua nghiên cứu các tài liệu liên quan đến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Tạo tham gia ý kiến một số nội dung sau:

Thứ nhất, về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Nguyễn Tạo cơ bản thống nhất về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch, đề nghị bổ sung 05 mục tiêu chưa hoàn thành giai đoạn trước để nỗ lực hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, đối với 130 danh mục chương trình, đề án được đề xuất trong giải pháp phát triển kinh tế của giai đoạn này, đại biểu kiến nghị bổ sung một số nội dung như sau:

Đại biểu đề nghị hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, xuất phát từ Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng và những cam kết của Việt Nam đã tham gia và các hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới như: CPTPP, EVFTA… Nâng cao chất lượng an sinh xã hội gắn với triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025 (Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & miền núi theo Nghị quyết 88 của Quốc hội).

Cùng với đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 với những dự báo mới nhất về biến thể Delta và Delta Plus, cập nhật tình hình về khả năng lây lan dịch bệnh ở một số quốc gia, trong đó có cả những quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin COVID-19 khá cao, đánh giá thực chất nguồn lực y tế (kể cả dự kiến tăng cường) gắn với độ che phủ vắc-xin tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bình thường và cùng sống chung với dịch bệnh, tiêu lượng dự báo sự ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam (kể cả việc tiêm chủng mũi tăng cường và cho trẻ em trong độ tuổi quy định); tình hình khủng hoảng năng lượng; giá xăng dầu, thép, phân bón tăng cao...; hay vấn đề chuyển dịch lao động ra khỏi thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, nơi tập trung các khu công nghiệp sau đợt dịch lần thứ 4... Từ đó đánh giá lại các căn cứ, cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch trong điều kiện có nhiều biến động nhanh và khó lường hiện nay và tương lai. Trong đó, đặc biệt phải tập trung xây dựng các nhóm chương trình, đề án để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, thu hút nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, xây dựng và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho xuất khẩu, quan tâm đến thị trường có lợi thế từ Hiệp định FTA trong cam kết thực hiện mà Việt Nam tham gia; đảm bảo an ninh lương thực, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện phòng chống dịch bệnh, chính sách an sinh xã hội cho người lao động.

Thứ hai, với quan điểm tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững...; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển, từ thực tiễn thu hút đầu tư các dự án giao thông trọng điểm thời gian qua, phấn đấu với mục tiêu 5.000 km đến năm 2025 như Nghị quyết đề ra. Đại biểu cũng bày tỏ vui mừng khi Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hệ thống đường bộ, đường sắt và đường thủy 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong đó sớm hoàn thiện các quy định pháp luật về phân cấp, phân quyền để tạo ra sự thay đổi trên cơ sở của cơ chế chính sách chung có xem xét yếu tố đặc thù, tiềm năng để phát triển; hoàn thiện các quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư để đa dạng hóa loại hình đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên có liên quan tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững./.

Kim Liên