ĐBQH TẠ THỊ YÊN: CẦN ĐỀ CẬP CỤ THỂ TỚI VÙNG KINH TẾ TRUNG DU, MIỀN NÚI PHÍA BẮC CÙNG CÁC VÙNG KINH TẾ KHÁC

30/10/2021

Phát biểu thảo luận trực tuyến của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, sáng ngày 30/10, đại biểu Tạ thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, kiến nghị Chính phủ cần đề cập cụ thể tới vùng kinh tế Trung du, miền núi phía Bắc cũng như các vùng kinh tế khác của cả nước…

 

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể trực tuyến của Quốc hội

Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể trực tuyến của Quốc hội, dại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ sự đồng tình với giải pháp cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị.

Theo đại biểu, Báo cáo của Chính phủ có đặt ra yêu cầu tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn trong việc thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 lại không đề cập cụ thể tới vùng kinh tế Trung du, miền núi phía Bắc cũng như các vùng kinh tế khác của cả nước, mà tập trung nhiều hơn cho khu vực trung tâm và đô thị.

Cũng theo đại biểu Tạ Thị Yên, Vùng kinh tế thuộc diện khó khăn, lạc hậu nhất của cả nước là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Đại biểu đặt câu hỏi: Trong 5 năm tới, Chính phủ sẽ có những giải pháp nào để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng đặc biệt khó khăn này? Những giải pháp đó có thể là: khai thác lợi thế so sánh, thế mạnh của từng vùng; hợp tác, liên kết vùng, xây dựng đô thị làm hạt nhân phát triển và bố trí lại dân cư, hình thành chuỗi giá trị kinh tế đồi rừng ở Tây Bắc, cây công nghiệp ở Tây Nguyên và cây lương thực, thủy hải sản ở Tây Nam Bộ?

Đại biểu cho rằng, nếu thiết kế được các nhiệm vụ cụ thể hơn cho từng vùng, để từ đó thể hiện được trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương và xây dựng được những cơ chế, chính sách có tính đột phá cho từng vùng, gắn với việc bố trí nguồn lực ngân sách, thu hút các nguồn lực xã hội để thực hiện các mục tiêu phát triển chung.

Toàn cảnh phiên thảo luận toàn thể trực tuyến của Quốc hội sáng ngày 30/10

Về nhiệm vụ và giải pháp, đại biểu kiến nghị cần tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, xanh, sạch, hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Với đặc thù điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác và bản sắc văn hóa đậm nét của vùng Trung du miền núi phía Bắc, trong đó có Tây Bắc và tỉnh Điện Biên, với đặc trưng của kinh tế đồi rừng, rất cần những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để tạo ra động lực mới, tạo điều kiện và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển các mô hình sản xuất tiên tiến, có hiệu quả, đẩy mạnh hiệu quả liên kết giữa 4 nhà “Nhà nước - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp” nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, kết nối với hệ thống tiêu thụ, để Tây Bắc phấn đấu theo kịp và cùng với cả nước hướng tới nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ.

Mặt khác, để cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở liên kết vùng, gắn kết với các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, hệ thống giao thông có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, sớm đầu tư đường cao tốc tới tỉnh Điện Biên sớm hơn lộ trình Bộ Giao thông vận tải đang dự kiến, khởi công sớm trong giai đoạn 2021-2025 và phấn đấu hoàn thành vào năm 2030 đường cao tốc Sơn La - Điện Biên, song song với hoàn thành tuyến Mộc Châu - Sơn La./.

Mai Hồng