ĐBQH NGUYỄN TRI THỨC: MONG QUỐC HỘI BAN HÀNH THÊM CHÍNH SÁCH PHÙ HỢP PHÁT TRIỂN Y TẾ CƠ SỞ

05/11/2021

Với kinh nghiệm thực tiễn về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID tại Tp.HCM vừa qua, đại biểu Nguyễn Trí Thức, Đoàn ĐBQH Tp.HCM, mong muốn Quốc hội, Chính phủ sẽ quan tâm hơn nữa đến việc ban hành các chính sách phù hợp nhằm phát triển y tế cơ sở, tạo nền tảng vững chắc trong hoạt động phòng, chống dịch COVID.

 

TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đại biểu Quốc hội khoá XV, đoàn ĐBQH TP.HCM

Phóng viên: Là một đại biểu Quốc hội, ông có thể cho biết tóm lược về công tác chuẩn bị của bản thân đối với các phiên họp tại Đợt 2 của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức: Cá nhân tôi có cảm giác rất đặc biệt. Đó là cảm giác hồi hộp trước trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri Thành phố. Tôi đã tổng hợp đầy đủ, chính xác hết tất cả ý kiến của cử tri và dự kiến sẽ chuyển tải một cách trung thực nhất đến Quốc hội. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ nghiên cứu kỹ hơn các văn bản mà Văn phòng Quốc hội cũng như cá nhân tôi chuẩn bị liên quan đến kỳ họp, để mong ý kiến của cá nhân mình sẽ có những đóng góp nhỏ vào các quyết sách của Quốc trong kỳ họp lần này.

Phóng viên: Kỳ họp này, Quốc hội dành nhiều thời gian để đánh giá về đợt dịch vừa qua, đồng thời đưa ra những giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch. Ông nhận xét gì về kết quả thảo luận nội dung này trong đợt 1 họp trực tuyến? Và ông có mong muốn gì trong thời gian họp còn lại của Quốc hội?

Đại biểu Nguyễn Tri Thức: Thông qua báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Xã hội, tôi nhận thấy các vấn đề, giải pháp đã được phân tích một cách kỹ lưỡng, khách quan trên tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội, cử tri và đặc biệt là của các nhà chuyên môn, nhà khoa học và những người trực tiếp tham gia trự tiếp trong "cuộc chiến" chống COVID-19 vừa rồi. Bên cạnh đó, với sự ra đời kịp thời của Nghị quyết 30 của Quốc hội, tạo tiền đề để Chính phủ ban hành Nghị quyết 79 và Nghị quyết 86 nhằm tháo gỡ và tạo cơ chế thuận lợi cho các bệnh viện kịp thời mua sắm trang thiết bị, hoá chất, vật tư tiêu hao để điều trị kịp thời bệnh nhân COVID nặng. Trong thời gian tới, tôi mong muốn Quốc hội sẽ thảo luận và đưa ra những quyết sách, đáp ứng cho tình hình phòng, chống dịch COVID-19, nếu dịch lan rộng trên toàn quốc.

Phóng viên: Tại phiên chất vấn ở Kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Y tế là một trong những Bộ trưởng trả lời chất vấn. Ông có kỳ vọng gì về phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế?

Đại biểu Nguyễn Tri Thức: Tôi kỳ vọng thông qua phiên chất vấn Bộ trưởng, với việc đặt câu hỏi sâu sắc và chi tiết của các vị đại biểu Quốc hội cùng trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế, chúng ta sẽ rút ra được những bài học thật sự cần thiết và đặc biệt là những bài học hữu ích, cụ thể, trải qua thực tiễn tại Tp.HCM, từ đó giúp cho Quốc hội cũng như Chính phủ đưa ra những quyết sách phù hợp trong thời gian tới.

Phóng viên: Vậy, ông có dự định sẽ tham gia ý kiến đối với Bộ trưởng Bộ Y tế?

Đại biểu Nguyễn Tri Thức: Riêng công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các công tác của ngành y tế trong thời gian qua, cá nhân tôi là người trực tiếp quản lý 2 bệnh viện nên tôi hiểu rất rõ những khó khăn, những hy sinh và những quyết sách của ngành y tế đã đem lại nhiều hiệu quả cho xã hội và giảm tối đa tỷ lệ tử vong cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh COVID. Vậy nên, tôi sẽ dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu và gửi ý kiến chất vấn các Bộ trưởng Bộ Y tế cũng như các Bộ trưởng khác có liên quan.

Phóng viên: Tại hội nghị sơ kết công tác phòng, chống đợt dịch thứ 4, ngành y tế Tp.HCM đã thẳng thắn nhìn nhận những yếu điểm như việc dự báo không theo kịp diễn biến dịch, khả năng xét nghiệm còn chậm, đặc biệt là sự thiếu thốn ở tuyến y tế cơ sở. Theo ông, ngành Y tế cả nước có thể rút ra được bài học kinh nghiệm gì từ Tp.HCM trong đợt dịch vừa qua để có thể chủ động ứng phó với COVID-19?

Đại biểu Nguyễn Tri Thức: Nếu nói về kinh nghiệm cá nhân thì tôi chỉ nêu ra 2 câu hỏi để tất cả các tỉnh/thành nếu được có thể tham khảo trong quá trình xây dựng phương án phòng chống dịch. Thứ nhất, khi nào bệnh nhân COVID được thở oxy một cách sớm nhất? Thứ 2, khi nào một bệnh nhân COVID trở nặng được chuyển đến tầng điều trị đúng và nhanh nhất? Đó là 2 câu hỏi mấu chốt mà mình phải trả lời cho được để cứu được bệnh nhân COVID, giảm tỉ lệ tử vong. Bên cạnh đó, tập trung vào cách ly và điều trị F0 tại nhà cũng là 2 nội dung rất quan trọng.

Phóng viên: Vậy theo ông, đến thời điểm này Tp.HCM đã trả lời được những câu hỏi đó chưa? Và nếu dịch quay trở lại một lần nữa thì Tp.HCM có thể đáp ứng được không?

Đại biểu Nguyễn Tri Thức: Theo tôi, hiện giờ Tp.HCM đã có rất nhiều kinh nghiệm và hoàn toàn có thể trả lời là đủ năng lực để đáp ứng được 2 câu hỏi này. Tuy nhiên, nếu dịch diễn ra trên diện rộng, Thành phố chắc chắn vẫn phải nhờ sự chỉ đạo, hỗ trợ của các cấp, các ngành, của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch.

Phóng viên: Trực tiếp làm việc và hiểu rõ những khó khăn của ngành, ông có đề xuất gì về mặt chính sách để có thể giúp ngành Y tế vượt qua được những khó khăn hiện nay, nhất là khi ngành đã trải qua một khoảng thời gian dài chiến đấu với dịch bệnh?

Đại biểu Nguyễn Tri Thức: Thứ nhất, chúng ta nhận thấy vai trò của y tế cơ sở là rất quan trọng. Cơ cấu của nền y tế nước Việt Nam có rất nhiều ưu việt của nền y tế Xã hội chủ nghĩa. Đó là y tế cơ sở len lỏi vào từng ngóc ngách, chăm sóc sức khoẻ cho từng cá thể, từng người dân. Nhưng trong một thời gian dài chúng ta đầu tư chưa tương thích so với sự phát triển của xã hội nói chung. Vì vậy, tôi mong Quốc hội và Chính phủ có những chính sách tập trung vào phát triển y tế cơ sở, đặc biệt là các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Tôi cũng đề xuất nên có sự luân phiên cán bộ y tế từ tuyến Trung ương đến tuyến địa phương, tuyến tỉnh, tuyến huyện về trạm y tế cơ sở.

Thứ hai, tôi mong muốn đó là cơ chế mua sắm cho chống dịch cũng nên được chi tiết, rõ ràng, đảm bảo 2 mục tiêu: Kịp thời phục vụ người bệnh và bảo vệ cán bộ.

Thứ ba, tôi mong những cơ chế tháo gỡ những khúc mắc về Bảo hiểm y tế cho người bệnh COVID trong giai đoạn hiện nay.

Thứ tư, theo tôi nên có chính sách để công nhận liệt sĩ và thương binh cho những người trực tiếp tham gia cuộc chiến chống COVID mà chẳng may qua đời hoặc bị di chứng về sau do dịch COVID để lại.

Phóng viên: Xin ông nói rõ hơn về đầu tư cho tuyến y tế cơ sở?

Đại biểu Nguyễn Tri Thức: Khi dịch xảy ra thì tâm lý chung là mua trang thiết bị, mua trang thiết bị và mua trang thiết bị. Nhưng điều đó không hẳn là đúng. Chúng ta mua trang thiết bị không được dàn trải và không được lãng phí. Để không dàn trải, lãng phí thì nên dựa vào phân cấp của từng cơ sở và đặc biệt là phải xây dựng cho được mô hình bệnh tật của từng địa phương. Việc mua sắm trang thiết bị phải dựa trên mô hình bệnh tật đó. Ví dụ, địa phương này nhiều bệnh lý về tim mạch thì mua thiết bị về tim mạch, địa phương khác nhiều bệnh lý tiêu hoá hơn thì sắm thiết bị phù hợp với địa phương.

Tuy nhiên, cũng phải hiểu rằng không phải cứ đầu tư máy móc hiện đại là sẽ hiệu quả. Ví dụ một bệnh viện huyện ở vùng sâu, vùng xa mà trang bị một máy MRI thế hệ mới thì sẽ không hiệu quả vì không thể sử dụng hết công năng được.

Ngoài ra, chúng ta nên tập trung thiết bị cho các bệnh viện lớn. Và các bệnh viện tuyến cơ sở thì đầu tư theo đúng mô hình bệnh tật, ở mức độ cơ bản, đúng theo phân tuyến chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Phương Thảo