ĐBQH LEO THỊ LỊCH: GIÁM SÁT CÀNG TỐT THÌ CÀNG SỚM KHẮC PHỤC ĐƯỢC NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

19/07/2022

Đánh giá cao hiệu quả của công tác giám sát, đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, đối với chuyên đề giám sát "Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021", giám sát càng tốt thì càng sớm khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong sắp xếp các đơn vị hành chính.

 

Cùng với quá trình đổi mới của hệ thống chính trị nước nhà, hiện nay, Quốc hội đang có nhiều đổi mới mạnh mẽ và đạt được những thành tựu quan trọng. Hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh. Các hoạt động giám sát được tăng cường hơn trước, Quốc hội đã chủ động xây dựng chương trình giám sát, tiến hành giám sát theo kế hoạch, đúng tiến độ, đảm bảo đem lại hiệu quả tốt nhất. Nội dung giám sát đã tập trung vào nhiều vấn đề bức xúc trong cuộc sống, có tác động tích cực đến hoạt động lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn trật tự kỷ cương của đất nước.

Đánh giá cao hiệu quả của công tác giám sát, đặc biệt là việc thực hiện các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, đối với chuyên đề giám sát "Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021", giám sát càng tốt thì càng sớm khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong sắp xếp các đơn vị hành chính.

Đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc

Phóng viên: Trong thời gian gần đây, công tác giám sát của Quốc hội có nhiều đổi mới tích cực, ngày càng được thực hiện chủ động và hiệu quả hơn. Đại biểu có nhận định gì về những thay đổi này?

Đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Qua thực tế hoạt động và quan sát trực tiếp, tôi cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội trong nhiệm kỳ này đang kế thừa những thành quả, kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ trước, đồng thời cũng có những chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi rõ rệt.

Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát là một trọng tâm của đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội Khóa XV. Do đó, để chuẩn bị cho chương trình giám sát năm 2022, ngay từ năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, lựa chọn các chuyên đề sát đúng nhất, đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, từ cuối năm 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị trực tuyến ''Triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2022”. Đây là hội nghị lần đầu tiên được tổ chức, kết nối với 62 điểm cầu trên cả nước, đã góp phần thống nhất nhận thức, thống nhất hành động từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan này với cơ quan khác, bảo đảm phối hợp “dọc – ngang - trên – dưới – trong – ngoài”, qua đó giúp công tác tổ chức giám sát đạt được kết quả như mong muốn với những mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra nói chung trong quy định pháp luật về công tác giám sát của Quốc hội

Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về giám sát chuyên đề của năm 2022 và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Đề án về tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát. Đến nay, Đề án đã tiến hành đánh giá khách quan, toàn diện quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát, thực trạng tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; làm rõ các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Nghiên cứu đề xuất các nhóm giải pháp, đổi mới cụ thể thiết thực, khả thi nhằm thực hiện tốt quy định của pháp luật về hoạt động giám sát, từng bước khắc phục tồn tại, hạn chế thời gian qua và đề xuất nội dung đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện thể chế pháp luật về giám sát.

Trên cơ sở các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng đã chủ động thực hiện các chuyên đề giám sát riêng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong đó, Hội đồng Dân tộc đã chọn chuyên đề “Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 – 2021”, tích cực làm việc với các bộ, ngành hữu quan để có được đánh giá tổng thể, kỹ lưỡng, khách quan và toàn diện về công tác này.

Hội đồng Dân tộc giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc 2016-2021

Với những thay đổi rõ nét, hoạt động giám sát của Quốc hội đã đạt được những kết quả tích cực. Qua tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến phản ánh cho thấy, người dân bày tỏ đồng tình với những đổi mới và đặt nhiều hy vọng vào việc tăng cường giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Nhân dân đánh giá cao công tác chỉ đạo điều hành hoạt động giám sát đã có sự linh hoạt, chủ động cải tiến, đổi mới, đặc biệt là việc Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thành lập các Đoàn giám sát chuyên đề, ban hành kế hoạch, đề cương giám sát; việc huy động sự tham gia của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh vào giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng với đó, dư luận xã hội cũng đồng thuận việc huy động chuyên gia tham gia Đoàn giám sát, tổ chức hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến tham vấn chuyên gia liên quan đến nội dung chuyên đề giám sát, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành thời lượng của phiên họp hàng tháng để xem xét báo cáo công tác dân nguyện, lập danh sách các vụ việc tồn đọng để xem xét, giám sát. Đặc biệt, người dân rất quan tâm theo dõi và ghi nhận những tiến bộ, đổi mới tại các phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 3 vừa qua. Tại các phiên chất vấn này, những vấn đề bức thiết, nóng bỏng nhất của đời sống người dân đã được đưa lên trước nghị trường, người trả lời chất vấn có trách nhiệm làm rõ và cam kết đưa ra các biện pháp khắc phục những hạn chế, bất cập. Qua thực tiễn và lắng nghe tâm tư cử tri, tôi cho rằng, phiên chất vấn, các phiên giải trình cùng với sự chủ động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và khảo sát, giám sát các vấn đề thực tiễn phát sinh trong thời gian qua, nhất là trong phối hợp thực hiện các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là điểm nhấn nổi bật trong việc đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian qua.

Phóng viên: Chương trình giám sát năm 2022 được đánh giá là rất rộng và chạm đến nhiều vấn đề quan trọng, bức thiết trong phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương cũng như đời sống của người dân. Đại biểu quan tâm nhất với chuyên đề giám sát nào và có chia sẻ gì về các chuyên đề giám sát này?

Đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Trong năm 2022 này, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành 04 giám sát chuyên đề, trong đó 02 giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021", “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành đến nay”; 02 giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” và “"Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021".

Thời gian qua, Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung dành nhiều thời gian và nguồn lực cho công tác giám sát, huy động được tổng thể trí tuệ của đại biểu Quốc hội, sự đóng góp của các cơ quan chức năng rất sâu sát trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát như Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ... Các báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương, các ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đều đã được tổng hợp, xem xét, thảo luận rất kỹ, nhiều vòng, nhiều lần. Lãnh đạo Quốc hội đã đôn đốc sát sao, dành thời gian thích đáng xem xét, cho ý kiến về các vấn đề lớn trong báo cáo giám sát, đề nghị làm rõ nhiều vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021

Qua tham gia giám sát, tôi quan tâm nhiều nhất đến chuyên đề giám sát về "Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021". Trong giai đoạn 2019-2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, qua đó giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã. Qua sắp xếp, đã rà soát, bố trí sử dụng những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp và thực hiện tinh giản đối với những người không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời chủ động thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Ngay sau khi Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực, các cơ quan hành chính, cơ quan thuộc khối Đảng, đoàn thể ở địa phương được sắp xếp cơ bản đã đi vào hoạt động ổn định; các cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương cũng được kiện toàn đồng bộ với việc sắp xếp các đơn vị hành chính. Các đơn vị sự nghiệp công lập như trạm y tế, trường học được sắp xếp, kiện toàn hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và bảo đảm phục vụ nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tại địa phương nơi tôi ứng cử là tỉnh Bắc Giang, qua giám sát, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giúp tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức: Giảm 21 tổ chức đảng, chính quyền, ủy ban MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội cấp xã; giảm 389 biên chế cán bộ, công chức cấp xã. Giảm 21 Trạm Y tế cấp xã; giảm 09 trường học tại 19 đơn vị hành chính cấp xã mới. Việc sắp xếp đơn vị hành chính đã thực sự gắn với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, kết quả đã thanh lọc, giải quyết chính sách nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc đối với 429 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư. Cùng với đó, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, công tác quản lý và phát triển đô thị được nâng lên, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội ở địa phương tiếp tục được quan tâm, đảm bảo.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang kiểm tra việc sử dụng cơ sở vật chất sau sáp nhập tại xã Đại Sơn, huyện Sơn Động

Thông qua giám sát, tôi cũng đã nắm bắt tình hình thực tế, nhìn nhận khách quan về một số vấn đề, tồn tại, hạn chế trong sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, chẳng hạn như việc quy định về tách một phần diện tích, dân số của đơn vị hành chính này sang đơn vị hành chính khác để mở rộng không gian phát triển đô thị mà không làm tăng thêm đơn vị hành chính chưa được khuyến khích gây khó khăn trong việc mở rộng không gian phát triển đô thị ở các tỉnh miền núi; công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, chỗ làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức ở đơn vị hành chính cấp xã mới thời gian đầu gặp khó khăn do một số đơn vị có số lượng cán bộ, công chức đông; một số đơn vị cấp xã còn nợ đọng trong công tác xây dựng cơ bản, nông thôn mới chưa được quyết toán nên công tác bàn giao gặp khó khăn…

Thực tiễn giám sát đã giúp tôi rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu trong quản lý, trước hết là việc cần có sự quan tâm vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, bố trí và giải quyết chế độ chính sách cán bộ, công chức cấp xã dôi dư công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời. Cùng với đó, cần có hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện phải kịp thời, rõ ràng, dễ hiểu, giúp cơ sở triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả. Ngoài ra, không thể thiếu công tác tuyên truyền, quán triệt về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính; triển khai lấy ý kiến cử tri; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để đảm bảo sự đồng thuận, nhất trí ở cơ sở.

Phóng viên: Với những đổi thay tích cực, công tác giám sát ngày càng đạt được hiệu quả cao hơn, Quốc hội ngày càng bám sát hơn với hơi thở của đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Đại biểu có kỳ vọng gì vào công tác giám sát của Quốc hội trong thời gian tới?

Đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Trước hết, phải khẳng định rằng công tác giám sát của Quốc hội đang thay đổi từ căn bản nhận thức đến thực tiễn hành động. Sự thay đổi này là kế thừa những bước phát triển, đổi mới từ trước đây, và đến nay ngày càng có những tiến bộ, đột phá. Vai trò giám sát của Quốc hội ngày càng thể hiện mạnh mẽ hơn, các báo cáo giám sát kỹ lưỡng và toàn diện, các câu hỏi chất vấn sắc sảo và trực diện, được đông đảo cử tri theo dõi và ghi nhận, cũng là đánh dấu cho sự trưởng thành hơn nữa của Quốc hội, đáp ứng mong mỏi, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân cả nước.

Trong hoàn cảnh đất nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức để phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, đặc biệt là trong bối cảnh quốc tế phức tạp, tôi kỳ vọng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội cùng các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy năng lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong công tác giám sát, để công tác này đạt được kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới.

Trong Kỳ họp thứ 3 vừa qua, sau khi xem xét, thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chuyên đề giám sát này. Các chuyên đề giám sát khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang được tập trung thực hiện, tăng cường khảo sát thực tế, tổng hợp rà soát tài liệu, tham khảo ý kiến chuyên gia, chỉnh sửa bổ sung báo cáo để trình Quốc hội trong thời gian tới. Tôi kỳ vọng, các chuyên đề giám sát này sau khi đã được tổng kết kỹ lưỡng và có biện pháp cụ thể sẽ có tác động rõ ràng đối với từng lĩnh vực trong thực tiễn, đồng thời tạo ra sức ảnh hưởng lan tỏa đến các lĩnh vực khác, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, giải quyết kịp thời những vấn đề bức thiết của thực tiễn, mang lại lợi ích, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu!

Hồ Hương