TS.Hoàng Minh Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Nghệ An
Phóng viên: Sáng nay 23/05, Quốc hội vừa thảo luận ở Tổ về Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Qua nghiên cứu, ông quan tâm đến nội dung nào của Báo cáo?
TS.Hoàng Minh Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Nghệ An: Qua nghiên cứu, tôi thấy rằng, Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và đặc biệt là Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã đánh giá một cách toàn diện về việc tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian vừa qua.
Trong những nội dung được đề cập, Báo cáo của Chính phủ đã có những đánh giá cụ thể và toàn diện về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Đây là nội dung mà tôi đặc biệt quan tâm đến.
Phóng viên: Liên quan đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế thời gian qua, Báo cáo của Chính phủ đã nêu ra nhiều điểm tích cực. Quan điểm của ông thế nào?
TS.Hoàng Minh Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Nghệ An: Ngoài những ưu điểm trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế đã được đề cập trong Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tôi cho rằng cần bổ sung thêm các đánh giá về một trong những kết quả quan trọng trong công tác lập pháp trong thời gian vừa qua là việc xem xét và thông qua đồng thời các dự án luật.
Cụ thể như trong lĩnh vực đất đai, bất động sản, trong năm 2023, Quốc hội đã xem xét, thông qua đồng thời các luật gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Cách làm này đã giúp cho việc xây dựng khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực này được xem xét và sửa đổi, bổ sung một cách tổng thể, giải quyết được những điểm nghẽn, vướng mắc trên thực tế.
Bên cạnh đó, việc xem xét đồng thời các luật có liên quan cũng đã góp phần xác định rõ mối quan hệ giữa phạm vi điều chỉnh của từng luật. Chẳng hạn, hiện nay, đã xác định rõ những nội dung liên quan đến các hình thức giao đất, cho thuê đất phải được quy định tại Luật Đất đai; Luật Nhà ở quy định về sở hữu, phát triển, quản lý, vận hành, sử dụng và giao dịch về nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản quy định về các hoạt động kinh doanh bất động sản.
Theo tôi, chính cách làm này đã có góp phần hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này, được công đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao, thậm chí đại diện của Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đã đánh giá đây là những luật tốt nhất trong lĩnh vực bất động sản trong thời gian gần đây. Tôi cho rằng kinh nghiệm này cần tiếp tục được nghiên cứu, phát huy, nhất là trong những lĩnh vực quan trọng, cần được ưu tiên hoàn thiện để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, ví dụ như các luật liên quan đến phát triển kinh tế số; hiện nay các quy định là khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực này còn chưa theo kịp được sự phát triển, điển hình như trong việc quản lý dữ liệu, quản lý phát triển trí thông minh nhân tạo.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Ưu điểm thứ hai cần được nhấn mạnh trong kết quả xây dựng và hoàn thiện thể chế trong thời gian vừa qua là việc tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ trong một thời gian ngắn từ đầu nhiệm kỳ đến nay Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành 02 đợt rà soát các điểm mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý trong các văn bản quy phạm pháp luật. Qua các đợt rà soát này đã cho thấy bức tranh toàn cảnh thực trạng của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta cũng như xác định rõ những tồn tại, hạn chế, những điểm mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản để có giải pháp xử lý.
Tại Kỳ họp này, Chính phủ cũng đã có Báo cáo về Kết quả thực hiện Nghị quyết số 110/2023/QH15 về xem xét, xử lý kết qủa rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở kết quả của Báo cáo này, dự kiến hoạt động rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được xác định là hoạt động thường xuyên, liên tục; kết quả rà soát, đánh giá là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Phóng viên: Bên cạnh việc bổ sung các ưu điểm nói trên, theo ông trong thời gian tới, cần tiếp tục có những cải tiến, đổi mới đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế như thế nào?
TS.Hoàng Minh Hiếu- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Nghệ An: Tôi cho rằng, trước hết, cần nghiên cứu để sửa đổi cách thức tiến hành xây dựng pháp luật để phản ứng nhanh hơn nữa đối với các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; chuyển đổi việc xem xét, sửa đổi luật theo định kỳ thành xem xét, sửa đổi luật theo yêu cầu của cuộc sống.
Cách làm truyền thống hiện nay để sửa đổi, bổ sung các văn bản luật là tiến hành sơ kết việc thi hành luật theo định kỳ 5 năm, tổng kết theo định kỳ 10 năm rồi tiến hành sửa đổi tổng thể một đạo luật. Cách làm như vậy có ưu điểm là việc sửa đổi, bổ sung luật mang tính toàn diện hơn, trên cơ sở tiến hành đánh giá tổng thể về việc triển khai thực hiện luật.
Tuy nhiên, hạn chế của cách làm này là làm chậm trễ việc sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập đã được thực tiễn chỉ rõ. Ví dụ điển hình nhất có liên quan đến hoạt động xây dựng pháp luật tại Kỳ họp này là những bất cập liên quan đến Luật Khoáng sản. Theo đó, từ nhiều năm lại đây, qua các cuộc tiếp xúc cử tri đã cho thấy những bất cập liên quan đến việc xử lý vật liệu thông thường được quy định tại Điều 64 của Luật Khoáng sản; tuy nhiên ý kiến trả lời cử tri của các cơ quan có liên quan luôn là chờ để sửa đổi tổng thể Luật Khoáng sản. Điều này đã tạo ra những điểm nghẽn, những bức xúc trong việc triển khai thực hiện luật ở các địa phương.
Hoặc tương tự là những vấn đề bất cập liên quan đến mức giảm trừ gia cảnh trong việc thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung do Luật Thuế thu nhập cá nhân chưa được nghiên cứu, sửa đổi bổ sung tổng thể. Qua tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, tôi nhận thấy tinh thần chung trong hoạt động lập pháp ở nghị viện các nước là tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề tồn tại, bất cập. Một đạo luật chỉ sửa đổi tổng thể khi có sự thay đổi về chủ thuyết chính sách trong lĩnh vực đó; còn trong các trường hợp khác thì ưu tiên sửa đổi, bổ sung trực tiếp, kịp thời những điều khoản có bất cập. Chính vì vậy, có những đạo luật của các nước được sửa đổi một cách thường xuyên, thậm chí là hàng năm, nhưng vẫn bảo đảm được tính ổn định trong việc triển khai thi hành, khắc phục được những bất cập để phát huy hiệu quả của khuồn khổ chính sách đã được xác định.
Vấn đề thứ hai cần quan tâm trong hoạt động cải cách thể chế liên quan đến việc đơn giản hoá thủ tục hành chính. Đây là một trong những nút thắt tạo ra những rào cản cho việc phát triển kinh tế, xã hội. Những phân tích gần đây cũng đã cho thấy việc thủ tục hành chính kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân kìm hãm mức tăng năng suất lao động. Trong khi đó, theo Báo cáo của Chính phủ thì chỉ tiêu về tăng năng suất lao động là một trong những mục tiêu không đạt được trong nhiều năm.
Một thủ tục hành chính kéo dài, chi phí tuân thủ cao sẽ là gánh nặng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, đầu năm nay khi tổng kết về hoạt động xuất bản, một giám đốc nhà xuất bản đã cho biết để cho ra đời một quyển sách thì bộ hồ sơ cần phải có gần 100 chữ ký, tức là thời gian, vật chất để cho ra đời sản phẩm kéo dài, làm hạ thấp năng suất lao động.
Do vậy, tôi đề nghị Chính phủ xem việc đơn giản hoá thủ tục hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 và các năm tiếp theo, qua đó cần tiếp tục có các giải pháp mạnh mẽ để cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm những thủ tục không cần thiết, nghiên cứu áp dụng các giải pháp công nghệ để có thể đẩy nhanh được thời gian tiến hành công việc, qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!