ĐBQH TẠ THỊ YÊN: KIỂM SOÁT “XE DÙ, BẾN CÓC” NHƯNG VẪN CẦN ĐẢM BẢO DỊCH VỤ CHIA SẺ CHUYẾN XE DƯỚI 10 CHỖ ĐƯỢC HOẠT ĐỘNG
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên
Cử tri ghi nhận, đánh giá cao kết quả tích cực về kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước
Góp ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, những tháng đầu năm 2024, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, những tháng đầu năm 2024 với nhiều kết quả tích cực: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội (2021 – 2025) đã đặt ra.
Tuy tình hình mâu thuẫn địa chính trị, địa kinh tế, xung đột cục bộ diễn ra hết sức khốc liệt trên thế giới nhưng Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành hết sức sáng suốt, khôn khéo tận dụng thời cơ để phát triển những ngành công nghiệp mới như hydrogen, vi mạch bán dẫn và tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia. Điều này đã và đang đem lại những khởi sắc cho nền kinh tế.
Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Theo đại biểu, kết quả thu ngân sách so với Báo cáo tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã vượt 8,2% so với số đã báo cáo Quốc hội và dự toán năm 2023 rất tích cực. Đây là cơ sở quan trọng để tăng chi đầu tư cho nhiều công trình, dự án quan trọng. Các chỉ số cân đối lớn của nền kinh tế như xuất siêu khoảng 28,3 tỷ USD, so với chỉ số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 15 tỷ USD; thu hút vốn FDI đạt gần 36,6 tỷ USD (đã báo cáo khoảng 27 - 30 tỷ USD); vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD (đã báo cáo khoảng 20 - 22 tỷ USD); thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm; tín dụng toàn nền kinh tế năm 2023 đạt khoảng 13,57 triệu tỷ đồng, tăng 13,78% so với năm 2022 là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành nền kinh tế, cùng với những nỗ lực đáng ghi nhận của các bộ, ngành, địa phương.
Cần sớm có chỉ đạo, bình ổn thị trường bất động sản, vàng và trái phiếu doanh nghiệp
Tuy vậy, đại biểu Tạ Thị Yên cũng chỉ ra, một số biến động bất thường của thị trường, ví dụ như thị trường vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cho thấy có sự không ổn định. Do vậy, cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn, truyền thông làm rõ, để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân.
Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, cần sớm có chỉ đạo, bình ổn thị trường bất động sản, vàng và trái phiếu doanh nghiệp
Đối với thị trường bất động sản, nữ đại biểu cho rằng, việc thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình hợp với khả năng tài chính của người dân cũng cần phải điều chỉnh. Bên cạnh đó, nhà ở xã hội có nơi thì thừa, nơi thì thiếu. Gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 83 tỷ đồng là rất thấp, do đó cần phải làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên quan vì sao chính sách của chúng ta rất tốt, rất nhân văn, thế nhưng lại chậm được triển khai thực hiện, trong khi người dân thì rất mong mỏi, chờ đợi điều này.
Cùng với đó là vấn đề liên quan đến nhà tái định cư, đại biểu dẫn con số thừa 14.000 căn nhà tái định cư tại Quận Bình Tân, thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh. Ở Hà Nội cũng có hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang phế như ở quận Long Biên, Cầu Giấy… đã làm lãng phí nguồn lực tài chính công, trong khi người dân vẫn còn thiếu chỗ ở. Đại biểu tỉnh Điện Biên cho rằng, cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về vấn đề này.
Cử tri Điện Biên mong muốn được quan tâm phát triển hạ tầng thiết yếu để phát huy tiềm năng du lịch
Đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển du lịch, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, năm 2024 là năm đầu tiên đánh dấu sự phục hồi của du lịch nước ta so với năm trước đại dịch. Chỉ trong 04 tháng đầu năm khách quốc tế đạt hơn 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch COVID-19). Du lịch nội địa phát triển, đặc biệt tăng cao ấn tượng dịp lễ 30/4 – 01/5 vừa qua.
Theo đại biểu Yên, kết quả này có được là nhờ thực việc thực hiện các chính sách thị thực, các chương trình kích cầu du lịch, các sự kiện lớn được quan tâm, tổ chức cùng nhiều yếu tố khác, trong đó có hiệu ứng tích cực từ hạ tầng giao thông với rất nhiều tuyến đường cao tốc được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong thời gian qua.
Đối với tỉnh Điện Biên, cùng với việc hoàn thành nâng cấp sân bay Điện Biên và tổ chức thành công nhiều lễ hội, triển khai chuỗi các sự kiện Năm du lịch quốc gia Điện Biên 2024 và Đại lễ cấp quốc gia Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo bước nhẩy vọt cho du lịch Điện Biên với lượng du khách và doanh thu du lịch tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ (tính từ tháng 1/2024 – 7/5/2024 Điện Biên đã đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch).
Cử tri Điện Biên tha thiết mong muốn được quan tâm phát triển hạ tầng thiết yếu, nhất là hạ tầng về giao thông đường bộ để phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh trong thời gian tới
Đại biểu nhấn mạnh, Điện Biên là tỉnh Biên giới giáp Lào và Trung Quốc, với quần thể di tích lịch sử gắn với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nét văn hóa đặc sắc của 19 dân tộc là lợi thế để phát triển du lịch. Tỉnh Điện Biên cũng xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác các tiềm năng, lợi thế đó.
Tuy nhiên, đại biểu trăn trở, do xuất phát điểm thấp, lại ở địa bàn xa xôi, cách trở, cơ sở hạ tầng thiết yếu còn hạn chế, nhất là hạ tầng về giao thông đường bộ, cho nên ngoài nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân, qua tiếp xúc cử tri, cử tri tỉnh Điện Biên tha thiết đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, sớm giải quyết những đề xuất, kiến nghị mà địa phương đã gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, trong đó có kiến nghị về đầu tư cao tốc Sơn La – Điện Biên – Cửa khẩu Tây Trang (cửa khẩu với Lào); Dự án đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục QL.279 và QL.12.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm, sớm chấp thuận chủ trương mở cửa khẩu song phương A Pa Chải - Long Phú, đồng thời xem xét bố trí kinh phí để triển khai đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng khu cửa khẩu này vì lối mở A Pa Chải - Long Phú đã được Chính phủ 02 nước Việt Nam và Trung Quốc thống nhất nâng cấp thành cửa khẩu.
Hiện nay chính quyền Thành phố Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam đã khởi công xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Long Phú - A Pa Chải (vào ngày 22/12/2023), đang xây dựng đường cao tốc từ Thành phố Phổ Nhĩ - huyện Giang Thành (giáp cửa khẩu A Pa Chải, dự kiến hoàn thành năm 2024) và có ý kiến đề xuất với tỉnh Điện Biên sớm mở cửa khẩu song phương theo quy hoạch.
Qua các lần tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, cử tri và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành và các địa phương đã luôn quan tâm chăm lo cuộc sống cho người dân, hỗ trợ tích cực và chia sẻ có hiệu quả đối với sự phát triển của địa phương. Thời gian tới, tỉnh Điện Biên mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên để phát huy hết tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh. Điện Biên đã và đang cố gắng nỗ lực hết sức mình để cùng với cả nước hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội không chỉ riêng năm 2024 mà cho cả toàn khóa, tạo tiền đề cho sự phát triển vượt bậc trong giai đoạn tới./.