TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 23/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN PHIÊN TOÀN THỂ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI GỬI ĐẾN KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV
Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Qua nghiên cứu Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đại biểu Siu Hương - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Gia Lai cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo. Trong Báo cáo đã tập trung đánh giá, nêu rõ những kết quả và chỉ ra những hạn chế trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, kèm theo các Phụ lục thống kê chi tiết, bài bản, khoa học để các ĐBQH dễ theo dõi.
Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Theo Báo cáo đánh giá, đến nay, có 2.210/2.216 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,7%. Như vậy, các kiến nghị đã được giải quyết, trả lời đạt tỷ lệ cao. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết các kiến nghị của cử tri; góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận, chuyển kiến nghị của cử tri đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thời gian qua được Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, các ĐBQH quan tâm và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, theo số liệu Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6 có nêu: Chính phủ, các Bộ, ngành vẫn còn 05 kiến nghị chưa giải quyết trả lời và cũng chưa nêu rõ lý do chưa trả lời, giải quyết để cử tri biết, theo dõi (mặc dù các kiến nghị này đã quá thời hạn trả lời theo quy định). Trong đó, Văn phòng Chính phủ chưa trả lời 01 kiến nghị, Bộ Tài chính chưa trả lời 04 kiến nghị. Vì vây, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành sớm có giải pháp giải quyết các kiến nghị của cử.
Giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương liên quan đến các dự án điện gió
Các kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV hầu hết đã được các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan giải quyết, trả lời. Tuy nhiên, vẫn còn 01 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ chưa nhận được văn bản trả lời. Cụ thể kiến nghị như sau: “Đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung nội dung chi và định mức chi trong Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai cho các hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai tại khu vực đô thị để đảm bảo hiệu quả trong thực tế phòng chống thiên tai”.
Đối với kiến nghị này, tại mục 4, phần 1 trong Phụ lục 9. Danh mục kiến nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục được các Bộ, ngành tiếp thu, thực hiện trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát quy định về mô hình tổ chức và hoạt động của Quỹ Phòng chống thiên tại tại Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01/8/2021 để trình sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, lộ trình quý IV/2023, đến nay chưa có ban hành văn bản, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm triển khai thực hiện và trả lời kiến nghị cho cử tri Gia Lai.
Đại biểu Siu Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai
Ngoài ra, có 1 kiến nghị, trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã kiến nghị “Đề nghị Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn hoặc ban hành, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể về bảo vệ an toàn công trình điện gió và bồi thường, hỗ trợ người dân về đất và tài sản trên đất nằm trong hành lang an toàn của cột tháp gió (như: Xác định diện tích ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng, tính toán mức bồi thường, hỗ trợ về đất, nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng, chuồng trại, gia súc…) để làm cơ sở triển khai thực hiện, góp phần ổn định an ninh trật tự tại các địa phương có dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản số 342/BCT-KHTC ngày 19/01/2023 về việc trả lời kiến nghị của cử tri, theo đó: “Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu để hướng dẫn hoặc ban hành, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể hơn về bảo vệ an toàn công trình điện gió và tài sản liên quan”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương, thể hiện tại Văn bản số 622/TTg-TH ngày 05/7/2023 về việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương, cơ quan, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 2121/VPCP-QHĐP ngày 31/3/2024 về việc thực hiện thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 12/2023 và tháng 01/2024.
Tuy nhiên, đến nay, qua các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính, văn bản hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ người dân về đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn tháp gió của Nhà máy điện gió, chưa được ban hành. Vì vậy, đại biểu Siu Hương đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương nghiên cứu tham mưu, trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn bồi thường, hỗ trợ người dân về đất, tài sản trên đất nằm trong khu vực hành lang an toàn tháp gió của Nhà máy điện gió để có cơ sở giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương liên quan đến các dự án điện gió, không chỉ địa bàn tỉnh Gia Lai mà còn ở các tỉnh khác có dự án điện gió trên cả nước.
Từ các nội dung trên, đại biểu Siu Hương đề xuất đối với những kiến nghị của cử tri liên quan đến vướng mắc về quy trình, thủ tục, thì Bộ, ngành Trung ương cần phải rà soát thực tế kỹ lưỡng và giải quyết thời gian theo quy định hoặc hướng dẫn cụ thể để chính quyền địa phương các cấp áp dụng được và giải quyết tận gốc kiến nghị, và không trả lời theo hướng viện dẫn luật. Còn đối với các vấn đề mang tính mới, cần có thời gian nghiên cứu, xem xét hoặc cần phải có sự phối hợp của nhiều bộ ngành, chưa thể giải quyết ngay thì cần phải đưa ra lộ trình, thời gian giải quyết cụ thể, bởi nếu việc giải quyết không thỏa đáng, để cử tri kiến nghị nhiều lần phần nào ảnh hưởng đến niềm tin của cử tri đối với cơ quan dân cử. Việc giải quyết tốt các kiến nghị nêu trên sẽ không chỉ là con số trên báo cáo mà sẽ là một dấu mốc để cải thiện đời sống của Nhân dân, làm tăng niềm tin của cử tri vào hệ thống chính trị, vào chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước./.