Sau gần 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận, góp ý vào 7 dự án luật, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, cụ thể, xác đáng để hoàn thiện dự thảo luật.
Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội về Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách có nhiều đổi mới, ngoài những đại biểu chuyên trách thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đại biểu không chuyên trách tham gia thảo luận. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn mời một số ban, ngành có liên quan tham dự Hội nghị để nghe các ý kiến đóng góp từ các đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.
Phóng viên: Thưa đại biểu, sau gần 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thành công tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra. Đại biểu đánh giá như thế nào về Hội nghị lần này?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tôi đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận, góp ý vào 7 dự án luật để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Đây là tiền đề cho Ban soạn thảo và các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra dự thảo luật sẽ trình Quốc hội sắp tới. Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến đối với 7 dự án luật. Do đó, các đại biểu chuyên trách tập trung nghiên cứu tài liệu cho ý kiến vào những dự thảo luật để Ban soạn thảo tập hợp trình Quốc hội sắp tới. Chính vì vậy, việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách rất cần thiết.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy, kỳ họp này các đại biểu chuyên trách tham gia thảo luận không nhiều, đây là vấn đề cần quan tâm hơn. Bên cạnh đó, nội dung tài liệu gửi tới các đại biểu Quốc hội vẫn còn chậm. Nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách muốn tham gia thảo luận tích cực, trách nhiệm, nghiên cứu sâu thì phải có tài liệu nghiên cứu trước. Tôi nghĩ rằng, các Uỷ ban của Quốc hội cần cung cấp tài liệu sớm cho đại biểu Quốc hội để có thời gian nghiên cứu trước khi phát biểu tham gia thảo luận tại hội trường là sự cần thiết. Vì đây là cơ sở tiền đề quan trọng cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Ban soạn thảo để tập hợp những ý kiến của đại biểu chuyên trách kết hợp với những lần phát biểu trước và lấy ý kiến của người dân sẽ trình Kỳ họp lần thứ 5 sắp tới về các dự thảo luật này.
Phóng viên: Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến 7 dự án luật. Vậy đâu là nội dung mà đại biểu đặc biệt quan tâm, vì sao?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, cho ý kiến 7 dự án luật. Tôi cho rằng, các dự thảo luật này đều quan trọng, nhưng tôi đặc biệt quan tâm nghiên cứu kỹ dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Tuy nhiên, tôi cũng quan tâm đến dự án Luật Giá (sửa đổi); dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi); dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi); dự án Luật giao dịch điện tử (sửa đổi).
Phóng viên: Thưa đại biểu, việc cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này có gì đổi mới khi nhiều cơ quan chức năng cùng tham gia?
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Tôi nghĩ rằng, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này có nhiều đổi mới, ngoài những đại biểu chuyên trách thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đại biểu không chuyên trách tham gia đăng ký thảo luận những dự thảo luật họ quan tâm.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn mời một số ban, ngành có liên quan tham dự để nghe các ý kiến đóng góp từ các đại biểu Quốc hội chuyên trách để rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện sau này.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!