TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG NGÀY 07/4: HỘI NGHỊ ĐBQH CHUYÊN TRÁCH TIẾP TỤC CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Sáng 07/4, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đóng góp ý kiến về nội dung trên, đại biểu Tạ Thị Yên- Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sư nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo đã chỉnh lý, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và đông đảo ý kiến của cử tri và Nhân dân qua những lần lấy ý kiến đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đại biểu Tạ Thị Yên, đây là Luật khó, mang tính chất chuyên môn sâu, phức tạp, có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác trong cả nước.
Dự án Luật (sửa đổi) thực sự đã có nhiều thay đổi nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc từ thực tiễn để phát huy nguồn lực đất đai, đây là tài nguyên hữu hạn, không tự sinh sôi, nhưng là nguồn lực quan trọng trong giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, về mặt chính sách, đại biểu Tạ Thị Yên thấy có một số vấn đề cần trao đổi để cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc, cụ thể như sau:
Vấn đề thứ nhất là, tại chương XI dự án Luật Đất đai (sửa đổi) quy định tài chính về đất đai, giá đất… Có lẽ đây là một trong những vấn đề khó để xác định chính xác được giá đất sát với giá trị trường, đây là vấn đề hết sức phức tạp do bản thân yếu tố thị trường luôn biến động.
Về cơ bản, đại biểu Tạ Thị Yên đồng tình với nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất được quy định ở Điều 154, song còn một số băn khoăn. Nếu chúng ta coi “Giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực” là một trong những thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất (khoản 3) thì khó có thể có thông tin đầu vào chính xác, đảm bảo nguyên tắc là xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.
Thực tế cho thấy, giá đất ghi trên các hợp đồng chuyển nhượng, kể cả công chứng thường bằng và thấp hơn giá trị bảng giá đất được ban hành. Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị nên coi “Kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện là một trong những căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định giá đất” (khoản 4 điều 154) cũng là một trong những thông tin đầu vào của việc xác định giá đất.
Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Vấn đề thứ hai là, tại Điều 187, 188 của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có đề cập đến cụm từ “tập trung” hay “tích tụ” đất nông nghiệp, cũng như giải thích từ ngữ tại Điều 3 (khoản 49 và 54), đại biểu Tạ Thị Yên cho đây là vấn đề lớn, cần phân tích, làm rõ sự khác biệt giữa 2 khái niệm, mà có lẽ ở đây chỉ nên là một khái niệm vì đều dẫn đến tăng quy mô diện tích đất sử dụng cho mục đích nông nghiệp.
Đại biểu Tạ Thị Yên thấy rằng, ngay trong dự thảo Luật, khoản 2 của cả 2 Điều 187 và 188 đều quy định về “các phương thức tập trung (hay tích tụ) đất nông nghiệp” cũng gần giống nhau: như dồn điền, đổi thửa; thuê quyền sử dụng đất; hợp tác sản xuất kinh doanh bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Tại Khoản 3 của cả 2 điều 187 và 188 đều ghi rõ: Nhà nước khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tập trung hay tích tụ đất để sản xuất nông nghiệp (riêng với tích tụ thì có thêm quy định với quy mô phù hợp). Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề xuất chỉ nên dùng 1 thuật ngữ tập trung đất đai cho cả 2 trường hợp mà dự thảo Luật đề cập.
Vấn đề thứ ba là, về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Chương VII), đại biểu Tạ Thị Yên thống nhất với quy định của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và đề nghị làm rõ việc sử dụng ngân sách Nhà nước như một phương thức hỗ trợ người dân sau khi di dời, tái định cư có việc làm, thu nhập, điều kiện sống tốt hơn trước. Bởi vì, Nhà nước sẽ còn thu được ngân sách trong suốt vòng đời của dự án sử dụng những diện tích đất đó từ doanh nghiệp phát triển dự án hay doanh nghiệp sử dụng đất.
Vấn đề thứ tư là, đất sử dụng vào mục đích kinh doanh, thương mại hình thành từ việc lấn biển: thực tế hiện nay đã có một số địa phương cho phép doanh nghiệp lấn biển làm các công trình cảng, kho chứa, hình thành các khu đô thị, du lịch và dự báo xu thế này có thể gia tăng trong thời gian tới do lợi ích của việc lấn biển mang lại.
Do đó, theo đại biểu Tạ Thị Yên, chúng ta nên hình thành quy định chặt chẽ về vấn đề này, hiện nay, các nội dung trong Luật điều chỉnh về nội dung này còn chưa thực sự đầy đủ, bao quát về quy chế pháp lý của loại hình đất này.
Vấn đề thứ năm là, về đất có nguồn gốc nông, lâm trường quy định tại khoản 3 Điều 177, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng cần phải xác định đây là đất công, thuộc diện dự trữ quốc gia, do đó nên ưu tiên để dành cho các mục đích công cộng.
Cuối cùng, để có thể vận hành thông suốt trong thực tiễn, cần chú ý tới tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với hệ thống pháp luật có liên quan, chẳng hạn như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, các luật về xây dựng, quy hoạch, đấu thầu, kết cấu hạ tầng, quản lý công sản,… Có thể tới vài chục luật vì hoạt động kinh tế - xã hội nào cũng liên quan đến đất đai.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chưa quy định cá nhân nước ngoài là người sử dụng đất nhưng Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản cho phép cá nhân nước ngoài được thuê, mua, sở hữu nhà tại Việt Nam mà nhà thì gắn với quyền sử dụng đất; hay như là, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) quy định thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất là từ khi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản quy định nhà (tài sản) hình thành trong tương lai đã có thể mua bán được…
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV (năm 2018), Quốc hội đã phải ban hành 1 Luật để sửa 37 Luật có liên quan. Do dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là luật mang tính chất chuyên môn sâu, phức tạp, có tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội, cho nên chúng ta cũng nên rà soát xem có bao nhiêu luật có liên quan cần sửa đổi để đảm bảo tính tương thích, đồng bộ./.