CHIA SẺ KINH NGHIỆM THẨM TRA CÁC DỰ ÁN LUẬT, PHÁP LỆNH LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC DÂN TỘC

18/08/2020

Sáng ngày 18/8/2020, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm thẩm tra các dự án luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì Hội thảo.

 

Toàn cảnh Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm thẩm tra các dự án luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc.

Dự hội nghị có các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm; các đại biểu là Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lai Châu, Lạng Sơn, Hòa Bình; cùng đại diện một số bộ, ngành, chuyên gia pháp luật.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cảm ơn đại biểu tham gia Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thẩm tra các dự án luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết, trong những năm gần đây hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội đã có nhiều đổi mới cả lượng và chất, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Cùng với sự thay đổi đó, Hội đồng Dân tộc đã và các Ủy ban của Quốc hội đã và đang tăng cường đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, nâng cao năng lực trong thẩm tra, tham gia ý kiến các dự án luật theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Cjur tịch Hội đồng Dân tộc, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Hội đồng Dân tộc đã có nhiều cải tiến về nội dung và hình thức trong hoạt động thẩm tra, tham gia ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh. Nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề dân tộc thiểu số miền núi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra và ban soạn thảo tiếp thu. Thông qua việc thẩm tra, tham gia ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh, nhiều chính sách về dân tộc thiểu số miền núi đã được luật hóa, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc tổ chức thực hiện, từng bước góp phần nâng cao đời sống mọi mặt kể cả vật chất và tinh thần cho đồng bào vùng dân tộc, thiểu số miền núi.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực thi hành vào năm 2021. Trong các nội dung sửa đổi đã quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc trong thẩm tra việc đảm bảo chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo nghị quyết tại Điều 68a. 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phát biểu tại Hội thảo.

Trong đó, Hội đồng dân tộc có trách nhiệm tham gia thẩm tra dự án, dự thảo do Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra để bảo đảm chính sách dân tộc khi dự án, dự thảo đó có quy định liên quan đến dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Hội đồng dân tộc tổ chức phiên họp Thường trực Hội đồng hoặc phiên họp toàn thể để chuẩn bị ý kiến tham gia thẩm tra và cử đại diện Hội đồng tham dự phiên họp thẩm tra của cơ quan chủ trì thẩm tra. Nội dung thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc bao gồm: Xác định vấn đề liên quan đến chính sách dân tộc; Việc bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng dân tộc và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước; Tác động và tính khả thi của các quy định trong dự án, dự thảo để bảo đảm chính sách dân tộc.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, những nội dung sửa đổi của Luật đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong công tác xây dựng luật trong lĩnh vực dân tộc. Quy định này cũng đặt ra trọng trách lớn hơn cho Hội đồng Dân tộc trong công tác chủ trì và phối hợp thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh trong thời gian tới.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến mong muốn các đại biểu tham gia hội thảo chi sẻ kinh nghiệm trong thẩm tra các dự án luật của các cơ quan liên quan. Hội đồng Dân tộc sẽ lắng nghe, nghiên cứu, tổng hợp và tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo để phục vụ nhiệm vụ thẩm tra các dự án luật của Hội đồng Dân tộc theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hội thảo cũng là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm xây dựng luật, cập nhật các thông tin thực tế tại địa phương, đánh giá sơ bộ tác động của dự án luật khi được thực thi trên thực tế. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các ý kiến về các chủ đề: Những bài học kinh nghiệm về thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án Luật; vấn đề giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Quy trình, nội dung thẩm tra các dự án Luật thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Pháp luật, những vấn đề đặt ra liên quan đến lĩnh vực dân tộc; Một số yêu cầu đặt ra về nội dung liên quan đến lĩnh vực dân tộc trong thẩm tra các dự án Luật; Một số nội dung cần lưu ý trong thẩm tra các dự án Luật có liên quan đến lĩnh vực dân tộc; Quy trình, nội dung và kinh nghiệm thẩm định các dự án luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc và những vấn đề đặt ra; Thẩm tra và kỹ năng thẩm tra.

Tham luận tại hội thảo, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho rằng, để nâng cao chất lượng thẩm tra các dự án luật thì việc chuẩn bị thẩm tra có vai trò quan trọng. Do vậy, Hội đồng Dân tộc cần dành nhiều thời gian tổ chức nghiên cứu các dự án luật, tổ chức các cuộc tọa đàm, hôi thảo, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan về dự án luật và khảo sát thực tiễn.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cũng nêu 4 nguyên tắc thẩm tra các dự án luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc, trong đó việc thẩm tra cần đảm bảo tính khách quan, khoa học; tuân thủ trình tự, thủ tục, thời hạn quy định; đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan chủ trì, soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự án luật và các cơ quan liên quan; đảm báo sự trao đổi, thảo luận tập thể nhằm huy động trí tuệ tập thể trong việc thẩm tra dự án luật.

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm về thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án Luật; vấn đề giới trong vùng dân tộc thiểu số, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt cho biết, qua hoạt động thẩm tra về vấn đề này cho thấy, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội vùng dân tộc và miền núi. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà vấn đề bình đẳng giới vẫn còn tồn tại nhiều bất cập ở vùng dân tộc thiểu số, như: phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số khó tiếp cận giáo dục và đào tạo; phụ nữ dân tộc thiểu số khó tiếp cận cơ hội việc làm; vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết vẫn tồn tại dai dẳng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và trẻ em còn có khoảng cách lớn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt phát biểu tại Hội thảo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt cho rằng, Hội đồng Dân tộc cần quan tâm, chủ động xem xét, thẩm tra lồng ghép vấn đề dân tộc trong xây dựng các dự án luật. Đặc biệt, hoạt động lồng ghép vấn đề dân tộc cần được tiến hành trong suốt quy trình lập pháp, ngay từ giai đoạn lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh…

Cho ý kiến tại hội nghị, đại biểu Dương Xuân Hòa, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, hội thảo rất có ý nghĩa, nhất là đối với đại biểu Quốc hội hoạt động tại địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thuận, nhất trí cao với các ý kiến tại hội thảo, đại biểu Dương Xuân Hòa cho biết, qua hoạt động thẩm tra tại địa phương và tham gia thẩm tra tại trung ương thấy rằng, các chính sách liên quan đến dân tộc đang nằm rải rác ở nhiều dự án, chính sách thuộc nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, để việc thẩm tra hiệu quả thì cần lưu tâm đến việc khảo sát kỹ thực tiễn để việc thẩm tra hiệu. Đại biểu nêu ví dụ việc phân bổ ngân sách cho các địa phương hiện nay đã có tiêu chí định mức rất cụ thể nhưng khi vận dụng trong thực tiễn lại khó khăn và khó áp dụng, đặc biệt đối với các địa phương vùng dân tộc và miền núi. Bên cạnh đó, hiện nay trong các luật đều có đề cập đến việc ưu tiên vùng dân tộc và miền núi nhưng nhưng nội hàm của việc ưu tiên là gì vẫn chưa được đề cập cụ thể. Khi đối chiếu sang các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành cũng vẫn chưa cụ thể, khiến các chính sách dân tộc thiểu số chưa đi vào cuộc sống.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến ghi nhận, cảm ơn các đại biểu, đại diện cơ quan của Quốc hội, chuyên gia, Đoàn đại biểu Quốc hội đã dự và trao đổi kinh nghiệm trong quá trình thẩm tra các dự án luật. Các tham luận đã đi sâu vào nội dung thẩm tra trong lĩnh vực dân tộc về nội dung, quy trình, phương pháp, bài học kinh nghiệm, các vấn đề đặt ra… 

Các ý kiến tại hội thảo là những thông tin thiết thực, bổ ích cho đại biểu là cơ sở để Hội đồng Dân tộc nâng cao chất lượng thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực dân tộc, góp phần nâng cao hoạt động xây dựng pháp luật. Kết quả của Hội thảo sẽ được chia sẻ tới các cơ quan, đơn vị và đối tượng liên quan góp phần đưa công tác xây dựng pháp luật đến người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội./.

Lan Hương - Bùi Hùng

Các bài viết khác