Hội thảo được tổ chức để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong thẩm tra các dự án luật của các cơ quan liên quan. Qua đó, Hội đồng Dân tộc sẽ lắng nghe, nghiên cứu, tổng hợp và tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo để phục vụ nhiệm vụ thẩm tra các dự án luật của Hội đồng Dân tộc theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Hội thảo cũng là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm xây dựng luật, cập nhật các thông tin thực tế tại địa phương, đánh giá sơ bộ tác động của dự án luật khi được thực thi trên thực tế.
Các ý kiến tại hội thảo là những thông tin thiết thực, bổ ích cho đại biểu là cơ sở để Hội đồng Dân tộc nâng cao chất lượng thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực dân tộc, góp phần nâng cao hoạt động xây dựng pháp luật. Kết quả của Hội thảo sẽ được chia sẻ tới các cơ quan, đơn vị và đối tượng liên quan góp phần đưa công tác xây dựng pháp luật đến người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:
Toàn cảnh Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm thẩm tra các dự án luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực thi hành vào năm 2021. Trong các nội dung sửa đổi đã quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc trong thẩm tra việc đảm bảo chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo nghị quyết tại Điều 68a.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến mong muốn các đại biểu tham gia hội thảo chi sẻ kinh nghiệm trong thẩm tra các dự án luật của các cơ quan liên quan. Hội đồng Dân tộc sẽ lắng nghe, nghiên cứu, tổng hợp và tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo để phục vụ nhiệm vụ thẩm tra các dự án luật của Hội đồng Dân tộc theo quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hội thảo cũng là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm xây dựng luật, cập nhật các thông tin thực tế tại địa phương, đánh giá sơ bộ tác động của dự án luật khi được thực thi trên thực tế.
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm về thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong các dự án Luật; vấn đề giới trong vùng dân tộc thiểu số, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt cho rằng, Hội đồng Dân tộc cần quan tâm, chủ động xem xét, thẩm tra lồng ghép vấn đề dân tộc trong xây dựng các dự án luật. Đặc biệt, hoạt động lồng ghép vấn đề dân tộc cần được tiến hành trong suốt quy trình lập pháp, ngay từ giai đoạn lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh…
Góp ý tại hội thảo, GS.TS Phan Trung Lý, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, một trong những điều kiện nâng cao chất lượng thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh nói chung và các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực dân tộc thiểu số nói riêng là tăng cường kỹ năng tham gia hoạt động thẩm tra của đại biểu quốc hội. Trong quá trình thẩm tra, đại biểu cần có kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, thường xuyen đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đại biểu...
Tham luận tại hội thảo, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho rằng, để nâng cao chất lượng thẩm tra các dự án luật thì việc chuẩn bị thẩm tra có vai trò quan trọng. Do vậy, Hội đồng Dân tộc cần dành nhiều thời gian tổ chức nghiên cứu các dự án luật, tổ chức các cuộc tọa đàm, hôi thảo, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan về dự án luật và khảo sát thực tiễn.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cũng nêu 4 nguyên tắc thẩm tra các dự án luật liên quan đến lĩnh vực dân tộc, trong đó việc thẩm tra cần đảm bảo tính khách quan, khoa học; tuân thủ trình tự, thủ tục, thời hạn quy định; đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cơ quan chủ trì, soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự án luật và các cơ quan liên quan; đảm báo sự trao đổi, thảo luận tập thể nhằm huy động trí tuệ tập thể trong việc thẩm tra dự án luật.
Tại hội thảo, qua chia sẻ kinh nghiệm thẩm tra các dự án luật thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Pháp luật. Đại biểu Trần Hồng Hà đề nghị Hội đồng Dân tộc cần tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia thẩm tra các dự án luật thuộc lĩnh vực phụ trách của các Ủy ban để đảm bảo chính sách dân tộc theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tham gia đoàn khảo sát việc thực hiện pháp luật có nội dung liên quan đến lĩnh vực dân tộc tại những địa pương có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Cho ý kiến tại hội nghị, đại biểu Dương Xuân Hòa, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, hội thảo rất có ý nghĩa, nhất là đối với đại biểu quốc hội hoạt động tại địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thuận, nhất trí cao với các ý kiến tại hội thảo, đại biểu Dương Xuân Hòa cho biết, qua hoạt động thẩm tra tại địa phương và tham gia thẩm tra tại trung ương thấy rằng, các chính sách liên quan đến dân tộc đang nằm rải rác ở nhiều dự án, chính sách thuộc nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, để việc thẩm tra hiệu quả thì cần lưu tâm đến việc khảo sát kỹ thực tiễn để việc thẩm tra hiệu quả.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến ghi nhận, cảm ơn các đại biểu, đại diện cơ quan của Quốc hội, chuyên gia, đoàn đại biểu quốc hội đã dự và trao đổi kinh nghiệm trong quá trình thẩm tra các dự án luật. Các tham luận đã đi sâu vào nội dung thẩm tra trong lĩnh vực dân tộc về nội dung, quy trình, phương pháp, bài học kinh nghiệm, các vấn đề đặt ra…
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đánh giá các ý kiến tại hội thảo là những thông tin thiết thực, bổ ích cho đại biểu là cơ sở để Hội đồng Dân tộc nâng cao chất lượng thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực dân tộc, góp phần nâng cao hoạt động xây dựng pháp luật. Kết quả của Hội thảo sẽ được chia sẻ tới các cơ quan, đơn vị và đối tượng liên quan góp phần đưa công tác xây dựng pháp luật đến người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội./.