Toàn cảnh phiên họp Toàn thể của Hội đồng Dân tộc.
Tham gia phiên họp còn có Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt, đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cùng các thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Luật Phòng, chống ma túy 2000 đã tạo nền tảng pháp lý cho việc thực hiện công tác phòng, chống ma túy góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy đi vào nề nếp và có hiệu quả; nhận thức của cán bộ, công chức các cấp và đông đảo người dân trong xã hội về tác hại của ma túy và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên.
Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp như chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, công tác cai nghiện còn bất cập. Hơn nữa, Luật Phòng, chống ma túy 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) ban hành từ lâu nên một số nội dung chưa bảo đảm sự thống nhất đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính về quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; mâu thuẫn với Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự về thẩm quyền điều tra của Bộ đội Biên phòng.
Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) cũng chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho cơ chế phối hợp điều tra của lực lượng điều tra trong nước với các nước, các tổ chức phòng, chống ma túy quốc tế; chưa có chính sách ưu đãi đối với lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Do đó, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 tới.
Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 8 chương, 69 điều, so với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 tăng 13 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa đổi, bổ sung 47 điều và 15 điều mới.
Trên cơ sở kế thừa các Điều luật của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2008, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành.
Dự thảo Luật mở rộng thêm phạm vi áp dụng so với Luật hiện hành, cụ thể: Luật này quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy, hợp tác quốc tế về ma túy và quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số khái niệm, nội dung đã có; xây dựng chương mới "Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy" (Chương IV); về cai nghiện ma túy quy định cụ thể nội dung nhà nước và ngân sách nhà nước đảm bảo xây dựng cơ sở cai nghiện công lập và tổ chức cai nghiện bắt buộc; hỗ trợ một phần kinh phí cho người nghiện cai nghiện tự nguyện. Khuyến khích người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Khuyến khích thành lập cơ sở cai nghiện tư nhân. Các cá nhân, tổ chức đầu tư vào công tác cai nghiện được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; biện pháp cai nghiện tại cộng đồng, gia đình theo hướng giao cho cơ quan có chuyên môn thực hiện, đảm bảo hiệu quả công tác cai nghiện; bãi bỏ biện pháp quản lý sau cai để phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người, thay biện pháp quản lý sau cai bằng công tác hỗ trợ xã hội sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện để khuyến khích, động viên người nghiện không tái nghiện.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu phát biểu tại phiên họp.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu nêu rõ, đây là dự án luật khó và phức tạp trong tổ chức thực hiện. Do đó đề nghị làm rõ sự cần thiết sửa đổi bổ sung Luật, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật gắn với thực tiễn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề phòng chống ma túy, tội phạm ma túy nói chung và tại khu vực dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng; việc kiểm soát người nghiện ma túy; các mô hình cai nghiện có hiệu quả; chính sách của nhà ước đối với công tác phòng chống ma túy và các đề xuất từ thực tiễn địa phương.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy; đồng thời đánh giá cao nhiều quan điểm tiến bộ trong lần sửa đổi Luật này. Trong đó có sự chuyển đổi quan điểm tiếp cận, thay vì chú trọng các giải pháp cách ly người nghiện như trong giai đoạn trước, chuyển dần sang tập trung công tác dự phòng, điều trị, giảm tác hại là cần thiết và có hiệu quả. Xác định quan điểm trong quản lý vừa duy trì việc xử phạt vi phạm hành chính đối với việc sử dụng trái phép chất ma túy vừa có biện pháp quản lý tại cộng đồng trong thời gian nhất định kết hợp các biện pháp giúp đỡ của chính quyền địa phương, xã hội, cộng đồng, gia đình đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy đã hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy khi trở về cộng đồng và đa dạng hóa hình thức cai nghiện, thực hiện các phương thức cai nghiện phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà đóng góp ý kiến tại phiên họp.
Để bảo đảm tính khả thi của luật, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong phòng chống ma túy trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện theo Luật hiện hành, đánh giá nội dung nào làm được nội dung nào chưa làm được để có đề xuất sửa đổi phù hợp. Đại biểu cũng băn khoăn về việc quy định cơ sở cai nghiện tư nhân; làm rõ địa vị pháp lý của cơ sở này; việc bảo đảm các điều kiện hoạt động, vấn đề đăng ký, cấp phép.
Cùng quan điểm, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch đề nghị quan tâm làm rõ nội dung cung cấp dịch vụ cai nghiện và vấn đề kiểm tra giám sát thực hiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Đại biểu nêu rõ vấn đề đặt ra hiện nay là bộ máy, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành tham gia ý kiến tại phiên họp.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, dự thảo Luật cần làm rõ cách tiếp cận người nghiện là người bệnh, là người tiềm ẩn yếu tố tội phạm; xác định tình trạng nghiện, thẩm quyền; đặc biệt lưu ý hiệu quả của cai nghiện.
Nhiều đại biểu cho rằng thực tế hiện nay hiệu quả của cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là không cao. Do đó cần xem xét lại việc quy định 2 mô hình cai nghiện là cai nghiện tập trung và cai nghiện tự nguyện. Có ý kiến cho rằng nên gọi là “hỗ trợ điều trị tại cộng đồng” thay vì gọi là cai nghiện tại cộng đồng, bởi cộng đồng chỉ là hỗ trợ chứ không có năng lực điều trị và cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm, khả năng thực hiện của từng chủ thể trong chu trì can thiệp, điều trị đối với người nghiện.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu và có giải trình các ý kiến của đại biểu tại phiên họp. Đồng thời đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu các nội dung của dự thảo Luật để tham gia góp ý tại Kỳ họp tới./.