GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (SỬA ĐỔI): CẦN MỞ RỘNG QUY ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN HÀNH VI BẠO LỰC GIA ĐÌNH

05/05/2022

Chiều ngày 05/5, tại Đà Nẵng, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: bà Cao Thị Xuân, ông Nguyễn Lâm Thành và bà Trần Thị Hoa Ry đồng chủ trì Hội nghị.

 

Toàn cảnh hội nghị

Dự thảo Luật lần này sửa đổi, bổ sung nội dung 42 Điều trong Luật hiện hành, xây dựng mới 17 điều, bỏ 03 điều. So với Luật hiện hành đã tăng 16 Điều với 3 nhóm chính sách lớn. Đa số các đại biểu đồng tình với 16 Hành vi bạo lực gia đình được quy định tại Khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật. Song phạm vi áp dụng đối với “người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng” như khoản 2, Điều 4 còn chưa cụ thể. Những trường hợp thực tế xảy ra gần đây đặt ra yêu cầu xem xét và bổ sung “thành viên gia đình của người đã ly hôn” và những trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng

Bà Nguyễn Thị Kim Thuý - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho biết cần điều chỉnh cả người sống chung với nhau. “Nếu chung ta hiểu chung sống như vợ chồng mà theo Luật hôn nhân và gia đình là 1 người nam, 1 người nữ. Nhưng bây giờ là có quan hệ đồng tính, 2 người nữ với nhau hoặc 2 người nam sống chung với nhau. Về mặt hôn nhân, rõ ràng quy định pháp luật không thừa nhận thì họ không đăng ký được, nhưng vẫn chung sống với nhau và có hành vi bạo lực thì chúng ta cũng phải đặt vấn đề để bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình” – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội bày tỏ.

Cũng có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật này vẫn còn coi trọng công tác hoà giải. Kết quả điều tra toàn quốc năm 2019 đối với gần 6.000 phụ nữ cho thấy bạo lực phát triển mạnh do nguyên nhân sâu xa là do cấu trúc phân cấp và gia trưởng. Và tại khu vực nông thôn, nơi văn hoá dòng họ, văn hoá cộng đồng truyền thống đậm nét, công tác hoà giải vẫn tập trung vào sự nhẫn nhịn của phụ nữ.

PGS.TS Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết: “Hoà giải bạo lực gia đình như chúng tôi tìm hiểu trong thực tế thì thường được tiếp cận dựa trên quan điểm giữ gìn sự toàn vẹn của gia đình là ưu tiên hàng đầu, và chiều cạnh văn hoá này còn thể hiện ở việc mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn vợ chồng là việc riêng và cũng không cần phải thu hút quá nhiều sự chú ý của người ngoài. Với điều kiện như vậy, đôi khi chúng ta bỏ qua mất vấn đề lớn là bạo lực gia đình đối với nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em”.

Một số ý kiến khác cho rằng, hoà giải là biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình và phòng ngừa tái diễn bạo lực gia đình, không thay thế các biện pháp xử lý vụ việc bạo lực gia đình. Bởi trong 15 năm thực hiện Luật cho thấy công tác hoà giải trong phòng, chống bạo lực gia đình cũng chưa phát huy được hiệu quả.

Các đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung đối tượng “trẻ em và phụ nữ là người dân tộc thiểu số” vào khoản 5, Điều 5 dự thảo Luật, bởi đây là những đối tượng dễ bị tổn thương và chịu nhiều thiệt thòi trong tiếp cận chính sách./.

Mỹ Phượng - Lê Quang