Tham gia phiên họp còn có đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan, cùng các thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Dự án Luật Biên phòng Việt Nam đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 nhiều nội dung của dự án Luật được các đại biểu đề nghị cần làm rõ để bảo đảm tính thống nhất, khả thi. Các đại biểu đề nghị rà soát kỳ, phân định rành mạch phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này với Luật Biên giới quốc gia và các luật khác. Các quy định về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, phối hợp và hợp tác quốc tế cần bảo đảm chặt chẽ, phù hợp. Cần quy định định chức năng, nhiệm vụ của lực lượng làm nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng, duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội và thực thi pháp luật về biên giới quốc gia ở khu vực biên giới, cửa khẩu; đồng thời làm rõ và quy định chặt chẽ quan hệ chủ trì-phối hợp giữa lực lượng Bộ đội biên phòng với các lực lượng khác, nhất là Công an ở khu vực biên giới, cửa khẩu, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các lực lượng. Các đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu quy định về nhiệm vụ, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; về chế độ, chính sách, vai trò, nhiệm vụ cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương trong thực thi nhiệm vụ biên phòng nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về biên phòng, công tác bảo vệ và xây dựng biên giới quốc gia trong Luật.
Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tham gia cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam
Trên cơ sở ý kiến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo, cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật; tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh nội dung của dự thảo Luật, dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10.
Tham gia cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, cho biết qua nghiên cứu dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý sau Kỳ họp thứ 9, các đại biểu cho rằng Dự thảo Luật và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã tổng hợp, phân tích kỹ lưỡng ý kiến của các vị đại biểu Quốc hôi, các tổ chức, các chuyên gia và đã giải trình, tiếp thu với những căn cứ về chính trị, pháp lý và thực tiễn khá đầy đủ thuyết phục. Các đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã lần này đã thể hiện rõ hơn quan điểm, đường, lối, chủ trương của Đảng, nhất là các nội dung liên quan đến Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới theo Nghị quyết số 33-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Đồng thời luật hóa, nâng cao hiệu lực pháp lý các quy định về công tác biên phòng đã và đang thực hiện có hiệu quả trong những năm và loại bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoặc chồng chéo và bổ sung những quy định mới để nâng cao hiệu quả thực hiện công tác biên phòng.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành khẳng định sự cần thiết ban hành Luật và đánh giá cao sự tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật của các cơ quan hữu quan song vẫn còn một số vấn đề băn khoăn trong việc xử lý các khái niệm, các vấn đề chung về biên phòng và lực lượng biên phòng. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến chuyên gia góp ý về kỹ thuật lập pháp rà soát để chỉnh sửa dự thảo.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại phiên họp
Các đại biểu cũng cho rằng dự thảo Luật lần này đã làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh, quy định rõ hơn những nội dung quan trọng, cốt lõi về công tác biên phòng, thể hiện khá đầy đủ quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng. Phó Chủ tich Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cũng lưu ý cần tiếp tục rà soát xác định rõ nội hàm của các khái niệm biên giới, khu vực biên giới và cửa khẩu để xác định phạm vi hoạt động gắn với trách nhiệm thực thi nhiệm vụ, thẩm quyền của các chủ thể, cơ quan hữu quan.
Các đại biểu nhấn mạnh vai trò của lực lượng nòng cốt chuyên trách về thực thi nhiệm vụ biên phòng rất quan trọng, do đó cần bổ sung chính sách của Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng Bộ đội biên phòng Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại làm nòng cốt, chuyên trách thực hiện nhiệm vụ biên phòng, thực sự là biểu tượng quốc gia ở biên giới, cửa khẩu.
Bên cạnh đó, xác định biên giới, khu vực biên giới trên đất liền của nước ta phần lớn là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo vệ biên giới lãnh thổ phải dựa vào dân. Do đó cần có sự kết hợp hài hòa và hiệu quả giữa chính sách về biên phòng với các chính sách kinh tế-xã hội khác của Nhà nước, bảo đảm quá trình triển khai thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ, tham gia chủ động, tích cực và hiệu quả của Bộ đội biên phòng với cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các tỉnh, thành, huyện (quận), xã (phường) biên giới.
Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh - đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Biên phòng Việt Nam phát biểu tại phiên họp
Có ý kiến cho rằng, cần bổ sung bài học lớn có tính nguyên tắc chỉ đạo thực thi nhiệm vụ biên phòng mà Đảng, Nhà nước ta đã đúc rút trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo đàm phán, đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đó là “phải luôn luôn kiên quyết, kiên trì xử lý các tình huống liên quan đến chủ quyền biên giới lãnh thổ” vào quy định về nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng tại Khoản 4, Điều 4 dự thảo Luật. Quan điểm này đã được thực tiễn kiểm nghiệm trong suốt quá trình tiến hành đàm phán phân giới cắm mốc trên đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ, các vùng biển chồng lấn, xử lý những sự kiện tàu thuyền, giàn khoan của nước ngoài xâm phạm vùng biển, thềm lục địa của nước ta; và đã cho thấy tính đúng đắn và hiệu quả.
Tại phiên họp các đại biểu cũng đã nghe đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, báo cáo rõ một số nội dung và cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu và có giải trình đầy đủ ý kiến tại phiên họp.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân kết luận nội dung thảo luận
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân nhấn mạnh với mong muốn khi Luật được Quốc hội xem xét thông qua sẽ bảo đảm tính khả thi, không gây ra xung đột chồng chéo trong chức năng nhiệm vụ, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục nghiên cứu rà soát, trao đổi với các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo Luật. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cũng đề nghị tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại phiên họp toàn thể để hoàn thiện báo cáo tham gia của Hội đồng Dân tộc gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo và chủ trì thẩm tra; đồng thời đề nghị các thành viện Hội đồng Dân tộc tiếp tục nghiên cứu để cho ý kiến về dự án Luật này tại Kỳ họp Quốc hội./.