HỘI THẢO GÓP Ý VỀ CHÍNH SÁCH ĐẤT ĐAI ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

23/03/2023

Ngày 23/3, tại tỉnh Sơn La, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

HỘI ĐỒNG DÂN TỘC KHẢO SÁT CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI BẠC LIÊU

Các đồng chí: Quàng Văn Hương, Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc; Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chủ trì Hội thảo. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình và Sơn La.

Hội thảo góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 17 nội dung quy định cụ thể hơn về chính sách đất đai với đồng bào DTTS. Bao gồm, 4 quy định riêng cho đồng bào DTTS, 4 quy định cho một số đối tượng có DTTS, 9 quy định chung nhưng có nhiều liên quan đến DTTS. Ngoài ra, có 4 nội dung quy định cho vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Đại diện tỉnh Lai Châu phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nêu thực trạng và những khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; ổn định đời sống các hộ tái định cư sau khi di chuyển đến nơi ở mới của các dự án; việc quản lý, sử dụng đất rừng giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân; kết quả rà soát đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường giao lại cho địa phương quản lý và giao cho các hộ DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất; những vấn đề đặt ra cho công tác xây dựng giá đất ở cấp huyện; thực trạng hoạt động trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực đất đai đối với đồng bào DTTS…

Đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu tại hội thảo.

Đại diện tỉnh Sơn La, đồng chí Đặng Ngọc Hậu, đã tham luận một số vấn đề về công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án. Đề nghị xem xét lại cụm từ “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Vì đây là vấn đề mang tính định tính, không có định lượng, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Dẫn đến, công tác giải phóng mặt bằng có thể bị kéo dài do không nhận được sự đồng thuận của người dân. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ quy định rõ về phương thức bồi thường, trong đó có thể quy định về giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi phải so với giá trị quyền sử dụng đất của loại đất khác tại nơi bố trí bồi thường về đất đầu đến. Do có nhiều trường hợp chỉ bị thu hồi với diện tích nhỏ, loại đất nông nghiệp có giá trị quyền sử dụng đất thấp, nếu cũng được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích có giá trị lớn hơn sẽ rất khó thực hiện…

Đồng chí Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Quàng Văn Hương đánh giá cao những ý kiến tham luận của các đại biểu đã đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo gắn liền thực tiễn chính sách đất đai khu vực đồng bào DTTS và miền núi. Trên cơ sở các tham luận, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội sẽ tổng hợp các nhóm vấn đề, gửi báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Nghị quyết 170/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…

(Theo Báo điện tử Sơn La)