ĐBQH HOÀNG NGỌC ĐỊNH: ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP HỮU HIỆU BẢO ĐẢM THỰC HIỆN HIỆU QUẢ DỰ ÁN

10/01/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chiều 10/01, thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đại biểu Hoàng Ngọc Định nhất trí với sự cần thiết của Dự án, đồng thời đề nghị cần đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước đầu tư cho các dự án giao thông; có cơ chế đặc thù để bảo đảm hoàn thành Dự án theo kế hoạch.

 

Tham gia đóng góp ý kiến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, tại điểm cầu Hà Giang, đại biểu Hoàng Ngọc Định đồng tình, nhất trí với sự cần thiết của Dự án; nhấn mạnh tuyến đường cao tốc Bắc - Nam có vai trò là trục xương sống, do đó, rất cần thiết phải đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc - Nam để phục hồi và phát triển kinh tế nhanh. Cho biết, đây là dự án mang tính cấp thiết, đặc biệt quan trọng của đất nước, việc đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam sẽ hạn chế được tình trạng ùn tắc, quá tải, giảm được chi phí vận tải cao, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề xuất đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công để bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là có cơ sở, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước để đầu tư cho các dự án giao thông.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định phát biểu từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Về quy mô dự án, đại biểu đồng ý giai đoạn này cần đầu tư 756 km, chia làm các dự án thành phần, với quy mô là 6 làn xe, song trước mắt nên đầu tư 4 làn. Bên cạnh đó, đề nghị xem xét quy hoạch tổng thể, đồng bộ, bảo đảm tính lâu dài, bền vững cho việc quy hoạch 6 hay 8 làn xe, tiếp đó cắm mốc để bảo vệ lộ giới và giải phóng mắt bằng, phương án tốt nhất là nghiên cứu thu hồi luôn và đưa diện tích được thu hồi vào trong dải phân cách thì sau này mở rộng sẽ dễ dàng hơn.

Đối với phương án giải phóng mặt bằng, đại biểu cho biết, nhìn từ thực tiễn cho thấy công tác này luôn làm ảnh hưởng đến dự án và là nguyên nhân chính dẫn đến dự án kéo dài, một số nơi không tạo được sự đồng lòng của người dân. Vì vậy, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Đại biểu cũng đề nghị cần có cơ chế đặc thù để bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch, đáp ứng thực tiễn như, chỉ định thầu từ thiết kế, giải phóng mặt bằng, kể cả thi công là rất hợp lý.

Liên quan đến chất lượng của đường cao tốc, đại biểu cho biết, hiện nay nhiều đoạn đường chất lượng thấp, nhất là các khớp nối giữa mặt cầu với đường là chưa đạt phẳng, còn gồ ghề. Do đó, nên nghiên cứu các phương án thuê tư vấn giám sát của đơn vị nước ngoài, chắc chắn là chất lượng sẽ tốt hơn, để đảm bảo chất lượng, tiến độ, quy hoạch lâu dài. Cùng với đó, đề nghị có thể phân cấp cho địa phương quyền chuyển đổi mục đích đất khi đường cao tốc đi qua địa phương đó thay vì phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với việc tổ chức thực hiện, theo đại biểu Hoàng Ngọc Định, ngoài việc giao cho Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư cũng phải giao cho các địa phương làm chủ đầu tư các dự án về giải phóng mặt bằng. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương có đường đi qua và quyết liệt trong việc làm giải phóng mặt bằng, làm nhanh thủ tục đầu tư.

Ngoài ra, cần phải có phương án để thu phí, đấu thầu thu phí và chuyển quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Nhà nước phải thu lại phí đường bộ để bù lại kinh phí bỏ ra; tiếp tục dùng kinh phí thu được để đầu tư tuyến cao tốc khác, hoàn chỉnh được mục tiêu là đầu tư 5.000km đường cao tốc trong thời gian tới./.

Phạm Hiếu