Đại biểu Phạm Văn Thịnh đánh giá cao việc Chính phủ trình và Quốc hội đưa ra bàn, thảo luận Dự thảo Luật sửa đổi 8 luật tại kỳ họp lần này. Các nội dung trong dự thảo Luật, Chính phủ đã thể hiện đúng quan điểm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện, bảo đảm đồng bộ giữa các luật với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền cho các địa phương.
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Bắc Giang.
Trong đó, quy định về phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định chủ trương đầu tư các dự án khu đô thị lên đến 300ha, các dự án ODA nhóm B, nhóm C là minh chứng rõ nhất. Theo đại biểu, việc này cần được làm thường xuyên và nên coi việc sửa đổi, bổ sung các vướng mắc của pháp luật (nếu có) được thực hiện ngay tại các kỳ họp trong năm, không cần phải đợi đến khi ban hành luật mới thay thế tổng thể.
Dự thảo Luật lần này nếu được thông qua chắc chắn sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khu đô thị có quy mô dưới 300ha, các dự án ODA, với thời gian ít nhất là 6 - 12 tháng.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung hai nội dung vào dự thảo Luật. Thứ nhất: Uỷ quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 30 ha; đất trồng lúa 2 vụ với quy mô dưới 300 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 600 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định; đây cũng chính là nội dung đã có trong các nghị quyết của Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù cho một số tỉnh, thành phố vừa qua nhưng với mức bằng 60%.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh thảo luận trực tuyến.
Theo Chương trình của Quốc hội, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ được thảo luận vào năm 2023 nên phải đến hết nhiệm kỳ những nút thắt nêu trên mới được tháo gỡ. Như vậy sẽ rất vướng mắc cho cấp cơ sở thực hiện. Theo đại biểu, đề xuất này là phù hợp, vì đã có tiền lệ cho các tỉnh, thành phố được hưởng cơ chế đặc thù và thực tiễn khi đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có chủ trương đầu tư thì việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng cho dự án đương nhiên là hợp lý.
Quang cảnh buổi thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Bắc Giang.
Thứ hai là phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư khu công nghiệp cho UBND cấp tỉnh. Lý do được đại biểu đề xuất là vì so với khu đô thị, quy mô đầu tư và suất đầu tư hạ tầng khu công nghiệp nhỏ hơn, yêu cầu chuyên môn quản lý hạ tầng khu công nghiệp cũng đơn giản hơn, trong khi dự thảo Luật lần này đã giao quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án khu đô thị có quy mô đến 300 ha cho cấp tỉnh.
Cùng với các nội dung phân cấp đã được nêu trong dự thảo Luật của Chính phủ, nếu hai nội dung này được bổ sung thông qua, chắc chắn sẽ khơi thông, huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy KT-XH phát triển. Đây sẽ là cơ sở, điều kiện bảo đảm tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH mà Đại hội 13 đã đề ra.
Đại biểu nhấn mạnh thêm, nếu được phân cấp như vậy, người đứng đầu các địa phương quyết liệt thì tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội sẽ nhanh hơn so với trước từ 6 - 18 tháng. Vì vậy, nhiệm vụ phát triển kinh tế thực hiện trong một năm sẽ bằng cả hai năm; mục tiêu tăng trưởng năm 2022 và những năm tới sẽ ở mức cao cho dù có tác động bất lợi của dịch Covid-19.