ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh phát biểu tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh
Tại điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thành phố Hồ Chí Minh, đến dự có Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết; Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Hà Phước Thắng.
Tại phiên thảo luận, đa số các ĐBQH cho rằng sự cần thiết, quan điểm xây dựng, phạm vi sửa đổi, bổ sung những nội dung có tính cấp bách, đang thực sự gây khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ ngay nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch Covid-19 để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường; đồng thời hỗ trợ công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên, cần bảo đảm chặt chẽ; giải quyết được những bức xúc, tắc nghẽn trong điều hành kinh tế - xã hội trong đầu tư, đất đai, dân sự...
Tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng quy định của Luật Đấu thầu hiện nay có nhiều bất cập, Quốc hội có dự kiến sửa đổi toàn bộ Luật Đấu thầu. Do đó, cần có quy định riêng về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Bởi lẽ, việc mua trang thiết bị y tế có đặc thù riêng. Do đó, việc quy định đấu thầu chung hiện nay là chưa phù hợp. “Quy định chính sách đặc thù riêng việc mua sắm trang thiết bị y tế, góp phần thúc đẩy mua sắm trang thiết bị y tế là khắc phục những khó khăn hiện nay.”- ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh.
Quang cảnh tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh
Về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của dự án Luật Thi hành án dân sự, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng cần quy định cụ thể và thời gian thực hiện ngay, không có quy định chung chung như hiện nay. Đồng thời, bổ sung quy định về cơ quan thực hiện ủy thác phải thực hiện thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định Điều 130 Luật Thi hành án dân sự. Nếu thực hiện theo thời hạn quy định điểm b, khoản 1, Điều 57 sửa đổi sẽ không đảm bảo yêu cầu về việc áp dựng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Một số ý kiến khác đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm việc phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng, tránh cơ chế xin - cho, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chống lãng phí. Bên cạnh đó, Chính phủ cần làm rõ cơ sở pháp lý của việc ban hành luật, cân nhắc cơ sở thực tiễn; cần phải đánh giá tác động về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; Phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; Thông tin cụ thể về quy mô các gói thầu; giá điện, các loại phí; Sự phù hợp với tính chất quan trọng như doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; Đánh giá tác động đến môi trường đối với pin đã hết thời hạn sử dụng và không còn có thể tái chế như Điều 7 dự thảo Luật.
Có ý kiến cho rằng, từ yêu cầu thực tế liên quan đến Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu thầu có những vướng mắc ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện một số chương trình, dự án nhóm B, C sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài và các dự án nhóm A do địa phương quản lý. Việc sửa đổi góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu bộ ngành, HĐND cấp tỉnh, tạo sự chủ động cho địa phương, đẩy nhanh tiến độ giải ngân...
ĐBQH Trần Kim Yến phát biểu tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh
Đối với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND cấp huyện, cấp xã, ĐBQH Trần Kim Yến cho rằng thực tế cho thấy, HĐND cấp huyện, cấp xã một số trường hợp, đặc biệt là cấp xã không đủ năng lực để quyết định chủ trương đầu tư, nhưng Luật Đầu tư công hiện hành chưa có quy định nào tạo điều kiện cho HĐND có thể báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp trên quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, việc phân cấp ủy quyền cho cấp xã được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B cũng khó khả năng triển khai trên thực tế. Qua khảo sát, phường, xã, thị trấn tại Thành phố Hồ Chí Minh, rất ít trường hợp ngân sách cấp xã có thể bố trí vốn đầu tư vào dự án nhóm B, chủ yếu tập trung vào dự án nhóm C. Trong khi đó, năng lực của HĐND, UBND cấp xã trong nhiều trường hợp không đủ để thực hiện các bước lập và thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư do chính quyền cấp xã không có các cơ quan chuyên môn như ở cấp tỉnh và cấp huyện. Các nhiệm vụ ở cấp xã được thực hiện chủ yếu thông qua Luật Cán bộ, công chức cấp xã, nhiệm vụ trong đó phụ trách trong lĩnh vực đầu tư công được giao cho công chức địa chính xây dựng kế hoạch thực hiện. Do đó, đối với quy định phân cấp thẩm quyền của cấp xã, pháp luật Đầu tư công nên bổ sung quy định về giá định vốn đầu tư công nhóm B và nhóm C khi phân cấp thẩm quyền chủ trương đối với cấp xã.
Cũng tại phiên thảo luận, một số ý kiến đề nghị Chính phủ, Quốc hội có quy định cụ thể hơn về việc cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn đối với các dự án không đáp ứng thời hạn bố trí vốn.