ĐBQH HUỲNH THỊ ÁNH SƯƠNG: CẦN ĐẢM BẢO CÔNG TÁC GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG CHO DỰ ÁN CAO TỐC BẮC - NAM PHÍA ĐÔNG

10/01/2022

Tham gia thảo luận trực tuyến từ điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi góp ý nhiều nội dung về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

 

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Trước hết, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương bày tỏ thống nhất với sự cần thiết ban hành nghị quyết để sớm hoàn thành tuyến Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội, tán thành việc giao Chính phủ chỉ đạo “thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai Dự án” như quy định tại khoản 3 Điều 3 dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng để đảm bảo đúng tiến độ “cơ bản hoàn thành Dự án trong cuối năm 2025”, thì công tác đền bù, giải phóng mặt bằng là yếu tố then chốt. Đại biểu đề nghị Chính phủ trong công tác chuẩn bị, phải chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư, các địa phương có Dự án đi qua, các đơn vị liên quan thực hiện việc thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư Dự án. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để thực hiện Dự án bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng để mất cán bộ do sai phạm sau khi hoàn thành Dự án. Đồng thời cần chú trọng khắc phục các vấn đề sau khi hoàn thành dự án, như khắc phục hư hỏng, sạt lún nhà ở; ngập úng đồng ruộng; hoàn trả các tuyến đường bị hư hỏng do phục vụ thi công.

Đại biểu dẫn chứng thực tế thời gian qua, Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã hoàn thành, chính thức thông xe và đưa vào khai thác ngày 02/9/2018 đã góp phần nâng cao hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên, tạo động lực phát triển kinh tế. Trong quá trình triển khai dự án, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất; đồng thời, vận động Nhân dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và được người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, sau khi dự án hoàn thành, việc hoàn trả các tuyến đường địa phương bị hư hỏng do phục vụ thi công vẫn chưa được thực hiện. UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm việc với các nhà thầu thi công để khẩn trương khắc phục; nhưng đến nay, vẫn chưa xử lý, gây bức xúc trong nhân dân.

Về thời gian hoàn thành Dự án, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, thời gian chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật để khởi công Dự án cần khoảng 3 năm là áp lực rất lớn đối với các cấp trong đó đối với nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư của địa phương. Từ thực tế thực hiện giai đoạn 2017 - 2020 và đề xuất của địa phương, đề nghị nên tách tiểu dự án thành phần giải phóng mặt bằng để giao địa phương chủ động thực hiện trước, rút ngắn được thời gian thi công Dự án.

Để phát huy hiệu quả Dự án, đại biểu đề xuất, bên cạnh giải quyết về rút ngắn thời gian, nâng cao năng lực vận chuyển thì yêu cầu tính kết nối giữa Dự án với các tuyến đường bộ cao tốc khác và các tuyến quốc lộ trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đặc biệt là việc kết nối cảng biển, cảng hàng không, các khu công nghiệp, du lịch, trung tâm logistics... là hết sức quan trọng để phát huy hiệu tổng hợp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của cả nước, vùng và liên vùng. Tính toán đến việc bố trí tái định cư, khai thác quỹ đất và phát triển du lịch ven biển,... để tạo sự lan tỏa của Dự án. Thực tế là tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã hoàn thành, nhưng đoạn Tp. Quảng Ngãi đến huyện Nghĩa Hành, đường kết nối đến Khu kinh tế Dung Quất, Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi chưa được hoàn thiện, làm giảm tính hiệu quả đầu tư của dự án.

Liên quan đến giải pháp thiết kế, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần tính toán, tránh ảnh hưởng đến điều kiện thoát lũ của khu vực; hạn chế chia cắt, tác động đến cộng đồng dân cư. Thiết kế Dự án cần bố trí đầy đủ các công trình thoát nước có xét đến các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Ở miền Trung, địa hình hẹp và có độ dốc cao; tình hình mưa, lụt, lũ quét thường xuyên xảy ra; nếu hệ thống thoát nước bố trí không bảo đảm thì con đường cao tốc như con đập lớn ngăn nước gây ngập úng, sa bồi thủy phá vùng thượng lưu, thiệt hại về người và tài sản; ảnh hưởng đời sống người dân. Đồng thời tính toán, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết nối dân sinh hai bên đường cao tốc (hệ thống đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt ngang…) để tạo điều kiện thuận lợi kết nối dân sinh, lưu thông, lao động sản xuất an toàn./.    

Nguyễn Hùng