Toàn cảnh Phiên họp
Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được xây dựng nhằm mục đích hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước; Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; Cụ thể hóa đầy đủ các chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành quy định của pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Về tên gọi của dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, theo Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 thì tên gọi của dự án Luật được xác định là Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Trong quá trình nghiên cứu, thảo luận về dự án Luật, có nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ giới hạn tên gọi và phạm vi điều chỉnh ở xã, phường, thị trấn thì chưa bao quát toàn bộ nội dung của Chỉ thị số 30-CT/TW, chưa phù hợp với nội dung giao việc tại Kết luận số 120-KL/TW và Thông báo số 160-TB/TW của Bộ Chính trị.
Tiếp đó, tại Đề án Định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV do Đảng đoàn Quốc hội xây dựng trình Bộ Chính trị (Bộ Chính trị đã thông qua tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV) và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW đã giao Chính phủ “xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (và thực hiện dân chủ ở cơ sở nói chung)”. Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thống nhất đề nghị tên của dự án Luật là “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng nêu rõ, trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, dự thảo Luật có những điểm mới cơ bản sau: Bổ sung nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở; Quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước,...
Thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc ban hành Luật này sẽ kịp thời thể chế hóa chủ trương phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được đặc biệt nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở đó góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Đối với hồ sơ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị khá công phu, nghiêm túc. Đối chiếu với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, hồ sơ dự án Luật cơ bản đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), đề nghị Chính phủ bổ sung dự thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong dự thảo Luật; thực hiện việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; hoàn thiện Báo cáo tổng kết để phản ánh đầy đủ, toàn diện các nội dung được điều chỉnh trong Luật; hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật theo hướng tập trung đánh giá tác động đối với những chính sách mới được bổ sung trong dự án Luật so với hồ sơ Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra
Đối với tên gọi của Dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc đổi tên gọi của dự án Luật là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đối với bố cục của Dự án Luật, để thể hiện rõ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị ngoài những quy định, nguyên tắc chung, cần thiết kế đầy đủ hơn quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại mỗi loại địa bàn, loại hình cơ quan, tổ chức thành các chương riêng.
Đối với cách thiết kế các điều khoản trong dự thảo Luật, để bảo đảm tính hiệu quả trong áp dụng pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần quy định rõ quyền của người dân trong việc được biết, được tham gia ý kiến, được bàn bạc, quyết định, được kiểm tra, giám sát, được thụ hưởng; trình tự, thủ tục thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở và tương ứng với đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức có thẩm quyền trong việc bảo đảm thực hiện các quyền này của người dân.
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; khẳng định "dân chủ" là phương thức để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích, chính kiến và quyền lực của mình để tham gia vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội.
Bên cạnh đó, các ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung quy định trong dự thảo Luật nhưng chưa được tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện thời gian qua để có cơ sở cho việc luật hóa… Do đó, đề nghị Chính phủ và cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn bản này trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, nhất là cần tập trung đánh giá tác động đối với những chính sách mới được bổ sung trong dự án Luật so với hồ sơ Chính phủ đã trình Quốc hội để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng cần phân tích một cách thấu đáo, khoa học, rõ ràng về nội hàm của khái niệm dân chủ trong mối quan hệ với thể chế, lịch sử, kinh tế, chính trị pháp quyền...
Đi vào một số nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng cần phân tích một cách thấu đáo, khoa học, rõ ràng về nội hàm của khái niệm dân chủ trong mối quan hệ với thể chế, lịch sử, kinh tế, chính trị pháp quyền. Đồng thời, đề nghị rà soát tổng thể các pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân, các lợi ích của nhân dân trong mọi mặt đời sống xã hội, bên cạnh Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thanh tra; cần rà soát vấn đề quyền con người, quyền công dân trong các quy định pháp luật về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đánh giá việc tổ chức giao tiếp với chính quyền qua hình thức tiếp dân là hợp lý, tuy nhiên cần có quy định chặt chẽ về hình thức này để nó đảm bảo thực hiện đạt kết quả cao...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng chủ thể dẫn dắt tổ chức thực thi dân chủ ở cơ sở ở cấp xã nên là Hội đồng nhân dân xã; tại các doanh nghiệp, chủ thể đó nên là các công đoàn. Đánh giá việc tổ chức giao tiếp với chính quyền qua hình thức tiếp dân là hợp lý, tuy nhiên cần có quy định chặt chẽ về hình thức này để nó đảm bảo thực hiện đạt kết quả cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới chỉ rõ, đối với những cơ quan, đặc biệt là lực lượng vũ trang, bên cạnh các nguyên tắc chung trong thực hiện dân chủ, cần phải có những đặc thù riêng biệt để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động
Thảo luận tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới chỉ rõ, đối với những cơ quan, đặc biệt là lực lượng vũ trang, bên cạnh các nguyên tắc chung trong thực hiện dân chủ, cần phải có những đặc thù riêng biệt để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động. Đồng thời cũng đề nghị cần có một chương riêng về nội dung thanh tra nhân dân.
Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng nên có quy định chung cho việc thực hiện dân chủ ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, ngoài ra cần có quy định chi tiết, kỹ hơn đối với doanh nghiệp nhà nước...
Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng nên có quy định chung cho việc thực hiện dân chủ ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, ngoài ra cần có quy định chi tiết, kỹ hơn đối với doanh nghiệp nhà nước. Trưởng Ban Công tác Đại biểu cũng đề nghị thiết kế kỹ thuật lập pháp của Dự án Luật sao cho đảm bảo sự tương thích với trình độ để thực hành dân chủ trên cơ sở dân sinh, dân trí, dân chủ, dân quyền.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng cần bổ sung thêm nội dung về trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân trong việc thực hiện dân chủ...
Đưa ra ý kiến thảo luận, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng cần bổ sung thêm nội dung về trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân trong việc thực hiện dân chủ. Đồng thời, đề nghị các cơ quan đặc thù trước khi ban hành các quy định hướng dẫn về dân chủ cơ sở tại các cơ quan cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự án Luật phải thể chế hóa được các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng ta về phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đảm bảo xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân
Đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Cơ quan trình dự án Luật và Cơ quan thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, qua phiên họp này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình một bước và hoàn thiện Dự án Luật trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3.
Cho rằng đây là dự án Luật quan trọng, phạm vi điều chỉnh rộng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải nghiên cứu, đầu tư rất kỹ lưỡng để trình Quốc hội một dự án luật khả dĩ, đáp ứng được yêu cầu. Dự án Luật này cần kế thừa những quy định của Pháp lệnh 34 quy định về dân chủ xã, phường, thị trấn, một số Nghị định của Chính phủ, quy chế dân chủ cơ sở. Đồng thời, dự án Luật phải thể chế hóa được các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng ta về phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đảm bảo xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" và đến Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII bổ sung thêm nội hàm nữa là "dân thụ hưởng".
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào Tờ trình nội dung về cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, thể chế hóa một cách cụ thể, đầy đủ, đồng bộ chủ trương của Đảng trong hệ thống pháp luật
Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào Tờ trình nội dung về cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, thể chế hóa một cách cụ thể, đầy đủ, đồng bộ chủ trương của Đảng trong hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý việc thực hiện dân chủ cần đi đôi với giữ gìn trật tự, kỷ cương, tránh tình trạng lợi dụng, xuyên tạc gây mất an ninh, trật tự, gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ. Đồng thời, cần ngăn chặn tình trạng dân chủ hình thức, chưa thực sự lắng nghe ý kiến của nhân dân, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân; cần đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu gây phiền hà cho nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Đinh nêu rõ hồ sơ Dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu và đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3
Kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm cụ thể hóa các văn kiện của Đảng, những chủ trương mới, đặc biệt là những chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Việc xây dựng luật này cũng phù hợp với Kết luận 19 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Đinh chỉ rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan có liên quan đã phối hợp chuẩn bị hồ sơ dự thảo luật một cách khẩn trương, công phu, nghiêm túc, dày dặn, cơ bản đáp ứng yêu cầu và đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sau khi tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung phiên họp.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật theo hướng nguyên tắc, mục đích, yêu cầu chung của việc hoàn thiện phải thể chế hóa đầy đủ đường lối, Nghị quyết của Đảng, kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành và có bước phát triển. Khắc phục được các hạn chế, yếu kém hiện nay và thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách thực chất, hiệu quả, vừa bảo đảm mở rộng và phát huy quyền dân chủ của nhân dân, vừa gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương xã hội và phù hợp với thực tiễn Việt Nam./.